Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp khắc phục việc vi phạm Nghị quyết của Quốc hội về tiến độ thời hạn
Cho ý kiến thẩm tra Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Pháp luật sáng 01/04, các đại biểu đề nghị tiếp tục khắc phục các hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp và triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới.
Về điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 15 dự án luật trong đó 6 dự án tại Kỳ họp thứ Ba và 9 dự án tại Kỳ họp thứ Tư. Về dự kiến Chương trình năm 2023, Chính phủ đề nghị đưa vào 15 dự án luật.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với những đổi mới trong công tác lập pháp, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chất lượng chưa cao, không bảo đảm thời hạn theo quy định, đến thời điểm sát kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề nghị bổ sung. Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa thật nghiêm. Trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
Ông NGUYỄN TRƯỜNG GIANG - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Chính phủ có tờ trình trình sang đối với 3 dự án và dự kiến phiên họp dự của thường vụ là trung tuần tháng 4. Cứ cho là đủ điều kiện trình thì sau đó cũng có nhiều thủ tục mà đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 3, thì đây là vi phạm Nghị quyết của Quốc hội về tiến độ thời hạn, chúng tôi có kiến nghị, nhắc đi nhắc lại, thì ở đây tính tuân thủ nghị quyết của Quốc hội thế nào?
Bà NGUYỄN PHƯƠNG THỦY - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Các bộ, ngành cũng cần phải tính toán đến thời gian để thực hiện trình xem xét dự án, chứ không để tình trạng tháng 3, tháng 4 mới trình dự án luật để đưa vào kỳ họp tháng 5, thì làm sao đại biểu Quốc hội có thể nghiên cứu, lấy ý kiến cử tri, chuyên gia, bảo đảm chất lượng xem xét dự án tại kỳ họp Quốc hội. Việc này cần đánh giá, từ năm sau thì việc lập chương trình phải bám sát vào các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch 81.
Giải trình về vấn đề này thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ sẽ có trách nhiệm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nâng cao chất lượng lập dự kiến. Đồng thời, đề xuất dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng trọng tâm trọng điểm.
Ông PHAN CHÍ HIẾU - Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đúng là trong thời gian qua ta có bổ sung nhiều, chương trình thông qua rồi nhưng chúng ta lại bổ sung, bổ sung rất gấp gáp, Bộ Tư pháp xin ghi nhận, để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn.
Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 15, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt và hoàn thành công tác xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Thực hiện : Thùy Linh Tùng Dương