Ủy ban Pháp luật đề nghị chính phủ nêu rõ thời hạn xin lùi trình Luật Đất đai sửa đổi

Chính phủ lần thứ tư xin lùi thời gian trình Luật Đất đai (sửa đổi), dù Luật này đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5 - 2019).

Sáng 16-4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay trong năm 2021 và Quý I- 2022, ngoài 15 Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức một Hội nghị về công tác thể chế và sáu phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Thường trực Chính phủ cũng tổ chức nhiều phiên họp để cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp, quy trình cho ý kiến, thông qua các đề nghị xây dựng và các dự án luật, pháp lệnh được Chính phủ xem xét chặt chẽ. Thông thường đối với mỗi dự án Phó Thủ tướng phụ trách cho ý kiến, tiếp đến Thường trực Chính phủ họp xem xét, cho ý kiến và sau đó mới trình ra Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các bộ trong việc rà soát, xử lý các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Long thừa nhận vẫn còn có dự án luật phải xin lùi thời hạn trình. Một số cơ quan vẫn chưa thực sự chủ động trong việc lập đề nghị xây dựng các dự án luật để đề xuất đưa vào Chương trình, hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chất lượng chưa cao, chưa đảm bảo thời hạn theo quy định.

Nguyên nhân, theo ông Long, có tình trạng lãnh đạo một số cơ quan vẫn chưa chỉ đạo sát công tác xây dựng pháp luật; chưa tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, nội dung cũng như tác động của các chính sách; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế.

Về đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và bổ sung Chương trình năm 2022, ông Long khẳng định: “Không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phải bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình”.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023. Tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua 9 dự án, trong đó có các luật: Giá, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu (sửa đổi) và Phòng thủ dân sự; cho ý kiến 4 dự án luật: Viễn thông (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Phát triển công nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 4 dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến 2 dự án Luật: Lưu trữ và Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Trong năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình với 17 dự án. Tại Kỳ họp thứ 3 sẽ bổ sung 3 dự án trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và 2 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời bổ sung vào Chương trình cho ý kiến 3 dự án luật: Đường bộ; Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, bổ sung vào Chương trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Đồng thời bổ sung vào Chương trình thông qua 3 dự án và cho ý kiến đối với 8 dự án.

Như vậy, với việc điều chỉnh như trên, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với Chương trình đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh; quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh; quochoi.vn

Thẩm tra, về đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội dự án Luật nhưng không đề xuất thời hạn lùi cụ thể.

Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh lần thứ tư.

Cơ quan thẩm tra cho rằng lý do của Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình “đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW” không phải là vấn đề mới, khi Quốc hội xem xét đưa dự án vào Chương trình cũng đã cân nhắc vấn đề này.

Do vậy, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này tại kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như Quốc hội đã quyết định.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/uy-ban-phap-luat-de-nghi-chinh-phu-neu-ro-thoi-han-xin-lui-trinh-luat-dat-dai-sua-doi-post675978.html