Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 15

Chiều 26.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể lần thứ 15, thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; một số chuyên gia, nhà khoa học…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp.
Ảnh: Hồ Long

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo chương trình của Kỳ họp thứ Năm, ngày 30.5 tới, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người xử chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Do vậy, Ủy ban Pháp luật họp toàn thể ngoài giờ làm việc để thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, tạo điều kiện cho Thường trực Ủy ban có thời gian tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi các đại biểu Quốc hội.

Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Hồ Long

Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Pháp luật. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ và việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Tăng cường trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình.
Ảnh: Hồ Long

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, theo chương trình, dự thảo Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Năm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ Sáu tới và kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND các cấp.

Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, trong đó, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13 đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 4 điều; có 7 phụ lục trong đó bổ sung 2 phụ lục mới. Dự thảo Nghị quyết quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

Trong đó, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp tại khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 85/2014/QH13 và thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung 1 điều quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch và đúng pháp luật. Dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về ngừng hiệu lực thi hành một số luật, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Đồng thời, bổ sung quy định sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19.6.2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; và sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16.11.2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh theo hướng không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về nội dung này. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về nội dung này. Ảnh: Hồ Long

Gợi mở thảo luận về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, Nghị quyết số 85/2014/QH13 được ban hành nhằm thể chế hóa Quy định số 262-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Do vậy, hiện đang đặt ra vấn đề phải sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 để thể chế Quy định số 96 - QĐ/TW của Bộ Chính trị, với nhiều quy định mới, trong đó quan trọng nhất là quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm cũng như xử lý hệ quả này.

Cùng với Nghị quyết số 85/2014/QH13 là nghị quyết tổng thể về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, trong hệ thống pháp luật có 3 luật có một số quy định liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó, Luật Tổ chức Quốc hội có một số quy định về đối tượng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hai điều quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm do HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng có một số quy định điều chỉnh về thủ tục, trình tự thực hiện. Quốc hội cũng ban hành hai nghị quyết có quy định liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp với một số chức danh lãnh đạo quận tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi; tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục thực hiện…

Các đại biểu tham dự Phiên họp tán thành sự cần thiết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 với những lý do được Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra; tên gọi của dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến để làm rõ hơn về sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý thực tiễn, qua đó góp phần tăng tính thuyết phục cho những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nhiều ý kiến nhận thấy, Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm. Trong quá trình xây dựng, dự thảo Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến, tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.

Các đại biểu cũng cho ý kiến đối với tên gọi của dự thảo Nghị quyết; phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh...

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/uy-ban-phap-luat-hop-phien-toan-the-lan-thu-15-i330351/