ỦY BAN PHÁP LUẬT HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 20

Sáng 01/3, tại Bắc Giang, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 20.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương và các Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Cùng dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh; đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, phiên họp thứ 20, phiên họp toàn thể đầu tiên trong năm 2024 của Ủy ban Pháp luật diễn ra vào đúng ngày kỉ niệm 78 năm ngày thành lập Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (01/3/1946 – 01/3/2024).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Thời gian qua, cùng với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ủy ban Pháp luật đã giải quyết khối lượng lớn công việc thường xuyên về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo chương trình, kế hoạch đồng thời triển khai nhiều công việc phát sinh, đột xuất khác. Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được qua các thời kỳ, Ủy ban Pháp luật đã tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực, chủ động thực hiện các công việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong từng bước triển khai, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, vào cuộc từ sớm, từ xa, quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch đề ra đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Vì vậy, tất cả các nhiệm vụ, công việc được giao, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, đòi hỏi gấp về thời gian đều đã được Ủy ban triển khai và cơ bản hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng, được Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan đánh giá cao.

Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Các Ủy viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra 02 Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2024 là thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 50 đơn vị cấp huyện và trên 1200 đơn vị cấp xã tiến hành sắp xếp trong giai đoạn này. Việc sắp xếp phải hoàn thành trong năm 2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý 1/2025. Vì vậy khối lượng tờ trình, đề án mà Ủy ban Pháp luật phải thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định là rất lớn. Đòi hỏi các cơ quan phải rất tích cực, trách nhiệm, phát huy những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp

Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp

Cùng với đó, khối lượng công tác lập pháp của Ủy ban trong năm là rất lớn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các thành viên Ủy ban tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống 78 năm Ủy ban Pháp luật, thảo luận tập trung, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm để hoàn thành chương trình phiên họp đề ra.

Trong khuôn khổ phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật cũng tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Đây là dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã nghe trình bày các Tờ trình của Chính phủ, báo cáo ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật và thảo luận về về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát, thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và Tờ trình về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công, thành lập thành phố Gò Công tỉnh Tiền Giang

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các Tờ trình của Chính phủ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy trình bày báo cáo nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Pháp luật về các Tờ trình của Chính phủ

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85020