Ủy ban Pháp luật thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức hđnd phường tại tp. Hà Nội
Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật họp Phiên toàn thể thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.
Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu rõ, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền tại các đô thị.
Trong bối cảnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định cụ thể về việc tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trên cả nước. Mặt khác, cơ sở lý luận và thực tiễn về mô hình tổ chức hợp lý chính quyền địa phương có những điểm chưa thật rõ. Do đó, việc tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường để có cơ sở thực tiễn đánh giá khách quan trước khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước là cần thiết. Xuất phát từ những cơ sở lý luận, thực tiễn và cơ sở chính trị, pháp lý nêu trên, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn quá trình phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.
Thực hiện Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và UBND thành phố Hà Nội xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 (gọi là thực hiện thí điểm); hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm. Chính phủ đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm.
Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Trí Thức nêu rõ, đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật tán thành với viêc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại HĐND thành phố Hà Nội. Hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo Kết luận 46-KL/TW thì Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội triển khai thực hiện 03 nội dung, nhưng không nhất thiết tất cả các nội dung này phải trình đồng thời trong cùng một thời điểm. Việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường trong năm 2019 không chỉ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị mà còn tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội trong việc chuẩn bị nhân sự và tổ chức Đại hội đảng bộ cấp phường nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới bầu cử HĐND các cấp và kiện toàn UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nội dung Chính phủ trình lần này mới đáp ứng được một phần yêu cầu nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị, chưa có nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Hà Nội. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ trong việc trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, có ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nội dung trình Quốc hội quyết định vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hà Nội.
Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu Đào Tú Hoa - thành viên Ủy ban Pháp luật, bày tỏ cơ bản tán thành việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026. Việc thí điểm không tổ chức HĐND ở phường là một chủ trương lớn, quan trọng; dự thảo được xây dựng dựa trên các cơ sở chính trị- pháp lý và thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc đổi tên của Ủy ban nhân dân phường để tránh gây tốn kém cho người dân và khó khăn công tác quản lý trên địa bàn phường.
Cũng quan tâm đến vấn đề về tên gọi Ủy ban nhân dân phường, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng việc dự thảo Nghị quyết vẫn giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở phường không tổ chức HĐND là UBND sẽ dẫn đến trường hợp mặc dù cùng có tên gọi là UBND nhưng vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND ở nơi tổ chức HĐND và nơi không tổ chức HĐND có sự khác nhau. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn, phức tạp trong cách hiểu. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết.
Về thời điểm thí điểm Nghị quyết, thành viên Ủy ban Lê Xuân Thân cho rằng đã là thí điểm thì phải có tổng kết thí điểm và thời điểm phù hợp sẽ là vào khoảng cuối năm 2025 để sau đó sẽ có được một mô hình tốt, phù hợp cho chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2026-2031.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban cơ bản tán thành với việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; thống nhất trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với nội dung này; giao Ủy ban Pháp luật hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Phiên thảo luận tới đây./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42503