Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra 2 dự án luật

Sáng 24.4, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự luật gồm 9 chương và 64 điều, kế thừa các quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Dự luật lược bỏ hoàn toàn quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Dự luật hoàn thiện một số quy định như: căn cứ ban hành quyết định thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, ban hành kết luận thanh tra, nhiệm vụ, quyền của người tiến hành thanh tra, trách nhiệm của đối tượng thanh tra, giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Tổng Thanh tra Chính phủ; bổ sung quy định về chuyển thông tin cho cơ quan điều tra trong hoạt động thanh tra; giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra.

Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, nội dung dự luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục lưu ý, rà soát với nội dung sửa đổi Hiến pháp và các luật khác được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ Chín để bảo đảm sự thống nhất.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Bên cạnh đó, theo quy định mới, do không còn Thanh tra Bộ nên mọi việc thuộc lĩnh vực của Bộ đều thuộc thẩm quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ, do đó, đề nghị rà soát các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ trong dự thảo Luật để chỉnh lý, hoàn thiện, bảo đảm bám sát thay đổi mới nêu trên về tổ chức của các cơ quan thanh tra.

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung, làm rõ về: lộ trình chuyển giao chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan thanh tra; cơ chế phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ không có Thanh tra Bộ và giữa Thanh tra tỉnh với các sở, ngành và mối quan hệ với UBND cấp xã (khi không có Thanh tra cấp huyện) để bảo đảm tính chuyên môn trong thanh tra các lĩnh vực đặc thù và ở cơ sở.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự nỗ lực của Thanh tra Chính phủ trong xây dựng hồ sơ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cơ bản bảo đảm tiến độ và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến. Dự thảo Luật đã bám sát quan điểm đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật, giảm gần ½ số điều so với Luật hiện hành.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lưu ý, Thanh tra Chính phủ tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp; những nội dung về sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Sau phiên họp, Thanh tra Chính phủ khẩn trương tiếp thu các ý kiến, có giải trình thuyết phục, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội và gửi sớm nhất đến ĐBQH.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ, việc ban hành luật nhằm tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục xử lý vi phạm hành chính; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập cơ bản, mang tính phổ quát trong quá trình triển khai thi hành Luật thời gian qua.

 Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt phát biểu

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt phát biểu

Dự thảo Luật gồm 3 Điều; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật hiện hành bị tác động bởi sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm hệ thống các cơ quan, người có thẩm quyền hoạt động liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.

Theo đó, dự thảo Luật cho phép thẩm quyền xử phạt được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó tương ứng với từng lĩnh vực quản lý nhà nước thay vì phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội như quy định hiện hành. Đồng thời, sửa đổi các quy định về thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thi hành quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Phần thứ ba của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhất trí phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cơ bản tán thành tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa được thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức) để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vì mức 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức đã được quy định từ Luật năm 2012; đồng thời, cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xử lý hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng về thời hiệu xử phạt, mức xử phạt tiền tối đa vì đây là những nội dung có tác động lớn đến quyền của cá nhân, tổ chức, trong khi chưa có tổng kết và có đánh giá tác động đầy đủ.

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát từng chức danh thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan như: Pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán; dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uy-ban-phap-luat-va-tu-phap-tham-tra-2-du-an-luat-post411284.html