Ủy ban quận thua kiện vì mở lối đi sai

Tòa cho rằng quận làm sai khi công nhận việc mạo danh chủ đất chuyển 92,2 m2 đất thành lối đi.

TAND TP Cần Thơ vừa xử sơ thẩm vụ vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoài khởi kiện UBND quận và chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo vợ chồng ông Hoài, năm 2010, ông bà được UBND quận Ninh Kiều cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) diện tích 593 m2. Năm 2013, vợ chồng ông bán phần diện tích 478,2 m2 cho hai người khác.

Bị mạo danh cắt đất mở lối đi

Khi bán đất, ông bà có giao sổ hồng cho người làm dịch vụ nhà đất để làm thủ tục tách thửa, sang tên cho hai người mua. Sau đó, ông bà yêu cầu người làm dịch vụ trả lại giấy chứng nhận đối với phần diện tích đất còn lại là 92,2 m2 (kích thước 2 x 46 m). Tuy nhiên, người này nói đây là đất trồng cây lâu năm, diện tích nhỏ nên không đủ điều kiện để tách thửa, khi nào có quy hoạch thì sẽ được bồi thường.

Tuy nhiên, khi các hộ dân lân cận được nhận tiền bồi thường vì khu này thuộc dự án thì vợ chồng ông Hoài không có tên trong danh sách nhận tiền. Ông Hoài trích lục hồ sơ thửa đất thì phát hiện trước khi làm thủ tục sang tên cho hai người mua, người làm dịch vụ đã tự ý làm thủ tục điều chỉnh 92,2 m2 đất còn lại của ông bà thành lối đi.

Người này giả mạo chữ ký, chữ viết của ông Hoài làm tờ cam kết xin điều chỉnh giảm diện tích, chấp nhận bỏ 92,2 m2 đất làm đường đi. Giấy này được phó chủ tịch UBND phường An Khánh xác nhận, chứng thực vào ngày 12-7-2013. Từ đó, vợ chồng ông Hoài tố cáo hành vi xác nhận không đúng của phó chủ tịch phường.

Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều có kết luận tố cáo của ông Hoài là đúng. Tuy nhiên, chủ tịch UBND quận cho rằng việc cắt bỏ lối đi là thủ tục bắt buộc nếu ông Hoài muốn bán đất cho người khác. Vợ chồng ông tiếp tục gửi đơn tố cáo đến chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Ngày 4-7-2018, chủ tịch UBND quận Ninh Kiều có công văn trả lời ông Hoài cho rằng trước đó ông bán đất cho năm hộ ở phía sau nên phải cắt trừ đường đi cho năm hộ này. Đồng thời, ông Hoài cũng phải mở lối đi cho các hộ phía sau khi ông bà bán đất theo Điều 275 BLDS 2005. Việc mở lối đi nêu trên đã được thể hiện qua hồ sơ chuyển nhượng và cấp giấy, là hẻm nội bộ 2 m.

Cuối cùng, vợ chồng ông Hoài khởi kiện yêu cầu hủy công văn trên của chủ tịch UBND quận, buộc UBND quận công nhận, cấp giấy chứng nhận 18,8 m2 và phải bồi thường diện tích 73,4 m2 đã thi công hoàn thành lề đường, lòng đường, bờ kè.

Vợ chồng ông Hoài trên phần đất 18,8 m2 đang được sử dụng làm đường đi. Ảnh: NHẪN NAM

Vợ chồng ông Hoài trên phần đất 18,8 m2 đang được sử dụng làm đường đi. Ảnh: NHẪN NAM

UBND quận sai thẩm quyền

HĐXX nhận định quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Hoài là 593 m2, sau khi chuyển nhượng cho hai người thì phần còn lại thực tế là 92,2 m2. Phần diện tích chừa lại này bị làm lối đi nhưng bị giả mạo chữ ký của chủ sử dụng. Việc giả mạo này được UBND quận Ninh Kiều xác nhận tại thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo năm 2017.

Lẽ ra tại thời điểm này, khi phát hiện sai sót về giả mạo chữ ký thì UBND quận cần thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Mặt khác, hồ sơ thể hiện không có tài liệu nào khác chứng minh vợ chồng ông Hoài chừa phần đất này làm lối đi cho các hộ phía sau. Do đó, phần diện tích 92,2 m2 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Hoài theo Điều 168 Luật Đất đai. UBND quận căn cứ Điều 275 BLDS 2005 cho rằng vợ chồng ông Hoài phải chừa đất làm lối đi cho các hộ phía sau là chưa đúng.

Theo tòa, yêu cầu mở lối đi là yêu cầu dân sự do các bên thỏa thuận nhưng các bên không có thỏa thuận mở lối đi, nếu có tranh chấp thì giải quyết theo thủ tục dân sự. Trong khi đó, tờ cam kết chừa đất mở lối đi có ghi tên ông Hoài đã được người bị kiện xác định là không đúng quy định, giả mạo chữ ký.

Cạnh đó, khi giải quyết yêu cầu dân sự về mở lối đi phải được tính toán dựa trên quyền, lợi ích của người có nghĩa vụ mở lối đi. Việc mở lối đi không thuộc thẩm quyền của UBND quận trong trường hợp đất đã được cấp sổ hồng.

Như vậy, việc mở lối đi chưa được giải quyết bằng thủ tục dân sự mà UBND quận xác định đây là lối đi là không hợp pháp và không đúng thẩm quyền giải quyết. Do vậy, yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Hoài là có cơ sở chấp nhận.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện

Theo tòa, phần đất 73,4 m2 của vợ chồng ông Hoài bị ảnh hưởng dự án chưa được xem xét nên UBND quận phải thực hiện thủ tục thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.

Phần đất 18,8 m2 thuộc trường hợp đất còn lại sau khi thu hồi để thực hiện dự án nhưng diện tích này không đủ để tách thửa, cần vận dụng Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014 để giải quyết. Phần đất này ông Hoài yêu cầu công nhận quyền sử dụng, các hộ dân muốn công nhận làm lối đi thì cần phải có thỏa thuận dân sự với vợ chồng ông Hoài, hoặc cơ quan có thẩm quyền phải thu hồi để đảm bảo về sau.

Cuối cùng, TAND TP Cần thơ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Hoài, tuyên hủy công văn hành chính nêu trên của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều. Tòa buộc UBND quận thực hiện thủ tục thu hồi phần diện tích 73,4 m2đất theo quy định và công nhận phần đất 18,8 m2 cho vợ chồng ông Hoài.

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/uy-ban-quan-thua-kien-vi-mo-loi-di-sai-941701.html