Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp phiên toàn thể lần thứ 6

Sáng 8.5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã họp phiên toàn thể lần thứ 6.

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lương Tam Quang.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 6

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra 4 dự án Luật gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và dự án Luật Căn cước. Các dự luật này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp lần thứ 23 tới.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào Chương trình năm 2023 và trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng ta tại Nghị quyết Đại hội XIII về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; đồng thời, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, yêu cầu về hoàn thiện thể chế, chính sách về thủ tục nhập cảnh cần bảo đảm sự thông thoáng nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tìm kiếm thị trường, hợp tác kinh tế sau đại dịch Covid-19; khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thực thi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật

Trình bày Tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 76/2022/QH15 ngày 15.11.2022 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam và giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật có 3 điều: Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào hai nhóm nội dung: nhóm một là, về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; nhóm hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào hai nhóm nội dung gồm: nhóm các quy định nhằm tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; nhóm các quy định để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Vũ Huy Khánh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như Tờ trình của Chính phủ và thấy rằng việc ban hành Luật còn nhằm kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (Điều 1 dự thảo Luật), dự thảo báo cáo thẩm tra nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh tại khoản 1 và khoản 3, Điều 6 Luật hiện hành (khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật) với lý do: việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” để bảo đảm phù hợp với Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định về quy chế quản lý bảo vệ biên giới và cửa khẩu trên đất liền Việt Nam - Lào và Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia . Tuy nhiên, Tờ trình cần lập luận chặt chẽ hơn lý do của việc bổ sung quy định này để tính thuyết phục cao hơn.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh tại khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là bước đi tiếp theo nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc sau khi Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam tại Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Tư của Quốc hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào các nước trên thế giới, không để xảy ra tình huống tương tự như tại một số nước ở châu Âu thời gian vừa qua.

Cơ bản nhất trí với Tờ trình và dự thảo báo cáo thẩm tra, các đại biểu cho rằng, về hồ sơ dự án Luật, Chính phủ đã khẩn trương triển khai quy trình xây dựng Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thiện dự thảo Luật, tổ chức đăng tải trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến tham gia; gửi dự thảo Luật xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều tài liệu chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Năm.

Các ý kiến tham gia cũng đã tập trung làm rõ các nội dung quan trọng của dự án Luật, những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tham gia cụ thể đối với việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh; về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong việc ký kết các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú; về giá trị, thời hạn của thị thực điện tử; thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương có liên quan để tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật, phù hợp với thực tiễn và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Luật hiện hành về việc bổ sung loại giấy tờ xuất nhập cảnh và thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị, cần quy định thống nhất về “nơi sinh” giấy tờ xuất nhập cảnh với thông tin tương tự trong căn cước công dân.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/uy-ban-quoc-phong-va-an-ninh-hop-phien-toan-the-lan-thu-6-i327008/