Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan asean
Chiều ngày 26/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp thẩm tra dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quản đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan.
Tham gia phiên họp còn còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách.
Nội luật hóa các cam kết quốc tế thực hiện mục tiêu tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa quá cảnh
Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết ngày 16/12/1998 với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định khung quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh và giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo Luật Điều ước quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không áp dụng toàn bộ Nghị đinh thư mà chỉ thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam; đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo quy định tại Điều 95 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị định, đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (Hệ thống ACTS) là cần thiết.
Đại diện Bộ Tài chính nêu rõ, điều này tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Việc thực hiện thủ tục theo quy định của Nghị định thư 7 sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên một hệ thống duy nhất từ nước xuất phát đến nước quá cảnh và đến nước cuối cùng là điểm đích của hành trình quá cảnh, góp phần giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc hoạt động quá cảnh hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế, quốc tế, vừa đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Đồng thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tham gia hoạt động quá cảnh hàng hóa, tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hóa, phát huy lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam trong vận chuyển hàng hóa quá cảnh, cũng như đảm bảo cam kết của Việt Nam khi tham gia phê duyệt Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương thể hiện đầy đủ các cam kết trong Nghị định thư 7 cùng như phù hợp với quy định của pháp luật trong nước về hoạt động quá cảnh hàng hóa. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định phạm vi áp dụng gồm các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS; chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; bảo lãnh, đặt cọc và thu hồi nợ thuế hải quan đối với hàng hóa quá cảnh.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân thực hiện quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan; cơ quan hải quan, công chức hải quan; cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về thực hiện hoạt động quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống ACTS và người bảo lãnh.
Bên cạnh đó dự thảo Nghị định có một số vấn đề như về cơ chế bảo lãnh, việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh hàng hóa chưa được pháp luật hiện hành trong nước điều chỉnh cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Làm rõ tính khả thi của các quy định nhằm nội luật hóa Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống ACTS để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan và nhấn mạnh việc thực hiện sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quá cảnh tại các cửa khẩu, thiết hợp cơ chế hợp tác giữa hải quan các nước, cải cách thể chế, cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nội dung dự thảo Nghị định có những quy định mà pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh như cơ chế bảo lãnh đối với hàng hóa quá cảnh, việc áp dụng doanh nghiệp ưu tiên trong hoạt động quá cảnh…nên về lâu dài cần tổng kết, đánh giá để pháp điển hóa trong các luật chuyên ngành các nội dung liên quan trong Nghị định thư 7 nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi, Chính phủ cần làm rõ các quy định về quy trình, thủ tục trong dự thảo Nghị định để thực hiện Nghị định thư 7 có những quy định gì khác so với pháp luật hiện hành, những điểm thuận lợi hơn trong quản lý hàng hóa quá cảnh; cũng như lường trước được những vấn đề có thể xảy ra để có hướng quy định về hậu kiểm, giám sát, các biện pháp xử lý và giải trình làm rõ hơn về tính khả thi của việc áp dụng quy trình này.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã đề nghị các cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ, báo cáo làm rõ các nội dung của Nghị định đã nội luật hóa bao nhiều nội dung của Nghị định thư 7 và những nội dung của Nghị định thư 7 chưa được nội luật hóa. Đối với các nội dung được nội luật hóa cần có giải trình về tính khả thi, việc kiểm soát, bảo đảm an ninh quốc gia, cũng như điều kiện cơ sở vật chất, năng lực để nắm bắt thông tin, thực hiện các quy định mà pháp luật hiện hành trong nước chưa điều chỉnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Ủy ban sẽ hoàn thiện báo cáo làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 37 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Trong đó làm rõ thêm một số nội dung về thực tiễn, vấn đề chống buôn lậu, tránh trục lợi, vi phạm khi thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính xem xét tổ chức hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia làm rõ các nội dung liên quan, chuyên sâu để hỗ trợ Chính phủ trong quá trình ban hành Nghị định./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=41584