ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG ĐBQH VÀ HĐND CẤP TỈNH

Sáng 18/9/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

Về tên goi của Dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, hiện còn 2 ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đề nghị ghi rõ tên của Nghị quyết này là: “Nghị quyết về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”. Ý kiến thứ hai đề nghị xác định tên gọi là “Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”, bỏ cụm từ “thành lập”.

Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” (bỏ cụm từ “thành lập”). Bởi theo, Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở các tỉnh, thành phố trung ương. Căn cứ vào quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới là cơ quan ra Nghị quyết quyết định việc thành lập các Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở từng địa phương. Trường hợp vẫn giữ nội dung “thành lập” trong tên Nghị quyết thì đề nghị ghi rõ là quy định về “thẩm quyền thành lập” để không nhầm lẫn về tính chất, nội dung điều chỉnh của Nghị quyết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng cần cân nhắc cụm từ “thành lập”, bởi việc sát nhập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân cũng chính là "thành lập mới". Việc sát nhập này có tên mới thì cần giữ cụm từ “thành lập” vì còn liên quan đến công tác cán bộ. Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh chính là để cụ thể hóa Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Cho ý kiến về thẩm quyền thành lập Văn phòng, Tờ trình nêu 2 phương án giao Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội và phương án giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành lập để phù hợp với quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về thẩm quyền thành lập, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án giao Hội đồng nhân dân có thẩm quyền quyết định việc thành lập cơ quan. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương cấp sở, vì vậy cũng cần giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Nếu giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành lập Văn phòng thì chưa thực sự phù hợp về mặt pháp lý bởi khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội giao chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đã gián tiếp quy định thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 và Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền này.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu là văn phòng tại địa phương thì giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định là phù hợp nhưng đây là văn phòng phục vụ hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội - là cơ quan Trung ương mà Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội không nằm trong chính quyền địa phương, tương đương cấp sở vì vậy đề nghị quy định Thường trực Hội đồng nhân dân và Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn thống nhất thành lập.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Đối với quy định về số lượng và tên gọi các phòng, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án thứ nhất nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, đó là Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 03 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương.

Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và có khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí tối thiểu là 05 đến 07 biên chế tùy vào từng thành phố loại 1, loại 2 và loại 3.

Về số lượng trưởng, phó phòng, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1 trưởng phòng và 2 phó phòng. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề xuất, biên chế của Văn phòng Đoàn sau khi hợp nhất không vượt quá số lượng biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân được cấp có thẩm quyền giao trước khi hợp nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu kết luận Phiên thảo luận.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi các Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân của các địa phương. Ủy ban Thường vụ nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đầy đủ trình Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định tên gọi có hai phương án trong đó giữ hay bỏ cụm “thành lập”, qua thảo luận đa số ý kiến trong phiên thảo luận đề nghị giữ nguyên cụm từ “thành lập” vì tên gọi này nêu đầy đủ nội hàm của Nghị quyết trong đó có việc xác định cơ quan nào tại địa phương có thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đồng thời, việc quy định như vậy đã kế thừa Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 và Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây.

Về thẩm quyền thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị giao Hội đồng nhân dân quyết định vì theo quy định của Luật Chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân không có thẩm quyền này.

Về biên chế, tổng biên chế do địa phương quyết định, trên cơ sở xác định vị trí việc làm và bảo đảm nguyên tắc tổng biên chế không vượt quá số lượng hiện hành. Về số lượng phó trưởng phòng, qua thảo luận vẫn còn ý kiến khác nhau, tuy nhiên trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị quyết và lấy ý kiến các địa phương thì đã thống nhất dựa trên cơ sở tiêu chí Chính phủ quy định cho các cơ quan chuyên môn của các tỉnh, thành phố.

Đối với kinh phí hoạt động, trụ sở, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã quy định rõ giao cho chính quyền địa phương bố trí trụ sở của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Kinh phí của Đoàn Đại biểu Quốc hội do Văn phòng Quốc hội giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương. Kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do chính quyền địa phương đảm bảo./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48426