Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giám sát thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

Sáng 14-3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021' và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Cả nước sắp xếp được 21 đơn vị cấp huyện, 1.056 đơn vị cấp xã

Theo dự thảo báo cáo tóm tắt của Đoàn giám sát, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, ngày 12-3-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn 2019-2021, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, đa số các địa phương (30/45 tỉnh, thành phố) thuộc khu vực từ Thừa Thiên Huế trở ra là có nhiều đơn vị hành chính được sắp xếp; 15 tỉnh, thành phố còn lại ở khu vực phía Nam có số lượng đơn vị hành chính được sắp xếp không lớn.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở một số địa phương có chậm hơn so với tiến độ theo kế hoạch. Trách nhiệm trong việc chậm trễ này có phần là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác sắp xếp đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ và hạn chế; chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chủ trương, quy định về sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.

Đánh giá tác động phải nhiều chiều

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo cáo của Đoàn giám sát cần nêu rõ thêm bối cảnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh giản biên chế là chủ trương rất lớn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Trên cơ sở các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về phân loại đô thị; nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Cùng với đó, thực tế, mỗi đơn vị hành chính lại có đề án rất cụ thể của địa phương, đề án lớn của tỉnh, thành phố Trực thuộc Trung ương.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm, trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải có sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng của sắp xếp đơn vị hành chính là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, tiết kiệm kinh phí hoạt động của bộ máy hành chính... “Vì vậy, báo cáo của Đoàn giám sát phải toát lên tinh thần đó, đánh giá tác động nhiều chiều”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trên cơ sở đánh giá tác động nhiều chiều, báo cáo của Đoàn giám sát xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới như thế nào. Cần có đánh giá cụ thể của từng bộ, ngành. Chẳng hạn đánh giá của Bộ Nội vụ là cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này; Bộ Tài nguyên và Môi trường về vấn đề đất đai; Bộ Tài chính về vấn đề kinh phí, công sản; Bộ Xây dựng về vấn đề quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; Bộ Công an về bảo đảm an ninh; Bộ Quốc phòng về vấn đề bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng; Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về công tác bầu cử được tiến hành ở các đơn vị thuộc diện sắp xếp như thế nào…

Đánh giá sâu sắc, kỹ càng về từng vấn đề cụ thể

Quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính còn liên quan đến các cơ quan khác trong hệ thống chính trị, như tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Vậy, hiệu lực, hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính ra sao, giai đoạn sắp xếp sắp tới cần rút kinh nghiệm như thế nào từ hoạt động sắp xếp đơn vị hành chính đã thực hiện…

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát trên cơ sở kết quả tích cực bước đầu sẽ tiếp tục có đánh giá sâu sắc, kỹ càng. Đặc biệt là khi đánh giá về tiết kiệm kinh phí, bên cạnh việc cung cấp số liệu chung cần chỉ rõ tiết kiệm được ở đâu; sau khi sắp xếp thì chi thường xuyên hằng năm theo dự toán ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương có giảm được không, hay giảm chỗ này lại tăng chỗ kia; giải quyết biên chế tại sao cùng mặt bằng như vậy nhưng có tỉnh thực hiện được, có tỉnh còn để tồn dư nhiều?

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn khi tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đó là ở những xã vùng núi, có nơi có hàng chục điểm trường, vậy khi sáp nhập các xã này lại thì việc cung cấp dịch vụ công được thực hiện như thế nào, cùng với đó là việc bảo đảm quốc phòng-an ninh ra sao? Trong quá trình sắp xếp, có nơi nào duy ý chí, nơi nào nóng vội không; nơi nào tuân thủ, nơi nào chưa tuân thủ Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Thực tiễn cũng phát sinh vấn đề một xã nông thôn mới khi sáp nhập với một xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới thì xã mới thành lập là xã nông thôn mới hay không phải? Từ đó thì nghị quyết có liên quan về số xã, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới có phải sửa đổi không?

Một vấn đề khác là khi một xã sáp nhập với một phường thành một phường thì đã thỏa đáng chưa? Từ rất nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như vậy, Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu, hoạt động giám sát phải rất sát địa phương, rất sát cơ sở…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-viec-giam-sat-thuc-hien-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-688723