Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tổng kết kỳ họp thứ 2, lên kế hoạch cho kỳ họp bất thường

Chiều 22/11, tiếp tục phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết lại kết quả của kỳ họp thứ 2 và lên kế hoạch tổ chức kỳ họp bất thường.

Báo cáo về kết quả của kỳ họp thứ 2, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, cùng với những kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức của các kỳ họp trước, Quốc hội đã thống nhất tổ chức kỳ họp chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, thể hiện tinh thần sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 22/11. (Nguồn: Quốc hội)

Toàn cảnh phiên họp chiều ngày 22/11. (Nguồn: Quốc hội)

“Sau 16 ngày làm việc với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật, kỳ họp thứ 2 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn tuyệt đối, ngày càng đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước”, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Quốc hội đã làm việc về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm ban hành 2 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Tổng thư ký Quốc hội khẳng định, kết quả Kỳ họp thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ sự tâm huyết các vị đại biểu Quốc hội, người đại diện của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. (Nguồn: Quốc hội)

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. (Nguồn: Quốc hội)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng thư ký Quốc hội thẳng thắn nêu rõ một số tồn tại, hạn chế. Tổng Thư ký Quốc hội cũng đưa ra 5 bài học kinh nghiệm cùng nhiều kiến nghị.

Đồng thời, ông Cường cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và dư luận, cử tri cả nước để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ 2 đã tập trung giải quyết rất nhiều nội dung trọng yếu, quan trọng quốc gia và đều là việc khó, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ cho cả 5 năm tiếp theo.

Nếu như Kỳ họp thứ nhất, thông qua Kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công,… thì tại Kỳ họp thứ 2, tiếp tục hoàn thiện một số khuôn khổ quan trọng như: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ 2021-2025; Quy hoạch quốc gia về sử dụng đất;… đây là tiền đề, mở đường cho nhiều kế hoạch và quy hoạch khác, có ý nghĩa tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lựa chọn thời điểm tổ chức kỳ họp bất thường

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, UBTVQH đã đề nghị Chính phủ sớm trình hồ sơ 5 nội dung đã thống nhất để có cơ sở, xem xét, đề xuất việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội vào cuối tháng 12/2021.

Tuy nhiên, ông Cường cho biết, thời gian từ nay đến tháng 12/2021 không còn nhiều. Các cơ quan phải tiến hành rất nhiều hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2021, trong đó có việc phục vụ nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quốc hội, các hoạt động tổng kết năm.

Do đó, Tổng thư ký Quốc hội đã nêu dự kiến 3 phương án tổ chức kỳ họp bất thường. Trong đó, ông Cường đã kiến nghị lựa chọn phương án 1, tổ chức kỳ họp bất thường vào ngày 4/1/2022 (ngay sau khi kết thúc đợt nghỉ lễ). Quốc hội làm việc liên tục, không chia làm 2 đợt của kỳ họp và kết thúc sáng thứ Bảy, ngày 8/1/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Nguồn: Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Nguồn: Quốc hội)

Đối với kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo tinh thần quyết tâm chính trị cao nhất, cố gắng nỗ lực tối đa, tuy nhiên việc tổ chức vẫn tùy thuộc vào công tác chuẩn bị. Đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, có đầy đủ ý kiến của các cơ quan liên quan, ý kiến chuyên gia,…

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội vẫn chưa khẳng định tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 12 hay tháng 1/2022 vì tùy thuộc vào công tác chuẩn bị.

Về chuẩn bị cho Kỳ họp thường kỳ tháng 05/2022 (Kỳ họp thứ 3), Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy tối đa những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong các Kỳ họp trước để áp dụng triển khai; công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, theo tinh thần từ sớm từ xa;…

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc "bố trí giữa thảo luận và biểu quyết thông qua" cần sắp xếp cân đối thời gian, nội dung nào quan trọng cần phân bổ dành thời gian thích đáng. Đồng thời, trong công tác giám sát tối cao cần quan tâm đến nội dung giám sát liên quan đến quy hoạch; các đề án liên quan như đổi mới kỳ họp, đổi mới công tác giám sát;… cần tích cực, chủ động triển khai kịp tiến độ.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-hop-tong-ket-ky-hop-thu-2-len-ke-hoach-cho-ky-hop-bat-thuong-165659.html