Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình mở rộng khung giờ làm thêm tối đa
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36. Theo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất quy định mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa (400 giờ/năm).
Khuyến khích tuần làm việc 40 giờ
Về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đồng ý quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Về tuổi nghỉ hưu của lao động cần có lộ trình hợp lý theo phương án tăng chậm, bảo đảm sự thận trọng, đồng thuận cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất quy định mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa (400 giờ/năm) và đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đầy đủ, toàn diện hồ sơ dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời lưu ý đánh giá tác động và giải trình thuyết phục về quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo từng nhóm đối tượng lao động, các tác động đối với thị trường lao động, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, sức khỏe và khả năng làm việc của người lao động Việt Nam.
Trên cơ sở đó, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ và có đánh giá tác động cụ thể hơn về tất cả các khía cạnh nhằm có căn cứ quy định hợp lý, bổ sung tổng kết đánh giá việc quy định khuyến khích tuần làm việc 40 giờ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị khẩn trương tổng hợp ý kiến Nhân dân và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan; giải trình, làm rõ các vấn đề còn ý kiến khác nhau cần quan tâm và các nội dung mà ILO khuyến nghị.
Chất vấn dân chủ, thẳng thắn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực, nghiêm túc của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và các kết luận về chất vấn, trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ cho tới hết năm 2018.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành. Qua phiên chất vấn cho thấy, việc triển khai các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các nghị quyết giám sát chuyên đề, các kết luận chất vấn đã có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung, yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm.
Tục nhắc nhở việc gửi hồ sơ tài liệu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát, Chính phủ các bộ, ngành, địa phương đã làm việc tích cực, trách nhiệm trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, trước diễn biến tình hình cháy, nổ ngày càng phức tạp, số lượng, quy mô và tính chất các vụ cháy ngày càng tăng, cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đánh giá thêm về phương châm “bốn tại chỗ”; đầu tư, trang bị; ứng dụng khoa học, kỹ thuật; xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy…
Đề nghị Đoàn giám sát của Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu tại phiên họp, hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
Bên cạnh đó, trong văn bản thông báo của Tổng Thư ký Quốc hội tiếp tục nhắc nhở về việc gửi hồ sơ tài liệu của phiên họp không đúng thời hạn quy định, không bảo đảm chất lượng vẫn thường xuyên diễn ra trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy đã được quán triệt nhiều lần nhưng chưa được khắc phục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra nâng cao trách nhiệm, chủ động, khẩn trương chuẩn bị sớm các nội dung và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về việc gửi tài liệu.