Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều
Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 43, chiều ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và tại Hội trường về Dự án Luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực các Ủy ban: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự án Luật.
Tại Phiên họp thứ 43 này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo một số nội dung sau:
Về bổ sung một số loại hình thiên tai, Thường trực Ủy ban thấy rằng, tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành đã quy định rõ “thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường, có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội..,” nên các hiện tượng tự nhiên không gắn với các tính chất trên sẽ không bị điều chỉnh trong Luật. Còn đối với “sương giá”, “triều cường”, “giông lốc”, “lún sụt” là các dạng biểu hiện của các loại hình thiên tai đã được quy định trong Luật, như: triều cường là một dạng của ngập lụt, sương giá là kết hợp của sương muối và rét hại... Do vậy, xin phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung các loại hình thiên tai này trong Dự án Luật. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù. Trong văn bản dưới luật khi quy định về cấp độ rủi ro thiên tai Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Luật Phòng, chống thiên tai
Về nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự án Luật đã được rà soát, quy định về lực lượng dân quân tự vệ cho phù hợp với Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ và các luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; quy định rõ về thẩm quyền thành lập, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã, đồng thời giao Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và thể hiện như tại khoản 3 Dự án Luật.
Về Quỹ phòng chống thiên tai, Thường trực Ủy ban chỉ rõ, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở cấp tỉnh là quỹ ngoài ngân sách nhà nước, hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương. Thực tiễn phòng, chống thiên tai cho thấy, ở tại các địa phương mà thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ này lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp, ngược lại một số địa phương ít có thiên tai thì lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có cơ chế điều tiết giữa các Quỹ ở cấp tỉnh. Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai và được quốc tế đánh giá cao trong phòng, chống thiên tai, do đó khi bị thiên tai tàn phá chúng ta thường nhận được nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận.
Tại Phiên họp tháng 9/2019, khi xem xét cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương và lưu ý làm rõ mối quan hệ của Quỹ này với Quỹ Phòng, chống thiên tai hiện nay để tránh chồng chéo. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Dự án Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ ở Trung ương (điểm a khoản 2 Điều 10); nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch và tránh chồng chéo. Còn đối với Quỹ ở cấp tỉnh: Báo cáo của UBND 27 tỉnh/tp và thực tiễn giám sát ở các địa phương về phòng, chống thiên tai của Ủy ban Thẩm tra cho thấy, các tỉnh đều tán thành việc cần có Quỹ Phòng, chống thiên tai; nhiều địa phương vận hành và quản lý, sử dụng tốt nguồn Quỹ này như Thanh Hóa, Lào Cai, Hà Tĩnh...Tuy nhiên, một số địa phương còn gặp khó khăn trong thu, chi Quỹ do những quy định chưa rõ trong Nghị định 94/2014/NĐ-CP về đối tượng miễn giảm; kinh phí chi cho hoạt động quản lý, điều hành Quỹ; việc trích để lại nguồn thu cho cấp huyện, cấp xã. Vừa qua, Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 94/2014/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai đã tháo gỡ được những tồn tại nêu trên.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự thống nhất giữa Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra; tuy nhiên đề nghị cần tiếp tục rà soát một số nội dung và kỹ thuật lập pháp của Dự án Luật.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành với việc cần thiết thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; đồng thời đề nghị cần quán triệt nguyên tắc không phát sinh thêm đơn vị, tổ chức, biên chế khi một Luật ra đời.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị đánh giá lại hiệu quả hoạt động của một số quỹ ngoài ngân sách, trong đó có Quỹ Phòng, chống thiên tai; đánh giá, rà soát lại các quỹ ở địa phương xem có trùng lắp với quỹ của Mặt trận Tổ quốc hay không; đảm bảo điều tiết quỹ tại các địa phương cho hợp lý.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự thống nhất cao trong nhiều nội dung của Dự án Luật. Đối với việc sửa đổi Điều 9, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cần quy định rõ ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được nghi thành khoản chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước; quy định rõ về trường hợp dự phòng ngân sách địa phương đã sử dụng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu; quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát lại các nội dung và kỹ thuật lập pháp của Dự án Luật, hoàn chỉnh Dự án Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp tới./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=44398