Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kế hoạch giám sát phát triển nguồn nhân lực

'Giám sát phải cho ra được sản phẩm cuối cùng là những kiến nghị, đề xuất xác đáng về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực'. Đây là ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 20/8 về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao' giai đoạn 2021 - 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, làm thế nào để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, đào tạo bám sát nhu cầu thị trường là những vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra cho Đoàn Giám sát.

Theo kế hoạch, Đoàn sẽ giám sát trực tiếp tại 10 địa phương và đối tượng giám sát là Chính phủ, UBND 63 tỉnh, thành và các Bộ liên quan. Các ý kiến đề nghị Đoàn cần xác định rõ trọng tâm, tránh dàn trải.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lên được một kế hoạch giám sát hiệu quả.

Bám sát định hướng của Nghị quyết Trung Ương XIII xác định phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, cuộc giám sát sẽ đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả và tồn tại, từ đó kiến nghị giải pháp để phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Diệu Linh - Ngô Trang - Quang Sỹ - Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-thao-luan-ve-ke-hoach-giam-sat-phat-trien-nguon-nhan-luc-233069.htm