Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030
Chiều 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Có phải chờ văn bản hướng dẫn?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề thực tiễn đặt ra khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công (trường học, trạm y tế)… và cho rằng đây là vấn đề rất cấp bách. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết lại quy định việc sáp nhập đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ phụ trách ngành, lĩnh vực. Vậy đến nay đã có các dự thảo văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ hay chưa? Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết, việc sáp nhập đơn vị hành chính đã được tiến hành thì việc sáp nhập đơn vị sự nghiệp công có thể tiến hành được luôn không, hay lại phải chờ quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ?
Đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo nghị quyết do Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật thực hiện, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hồ sơ và dự thảo nghị quyết đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để thông qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải đạt được rất nhiều mục tiêu. Đó là phải giảm đơn vị hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế, giảm được chi tiêu cho ngân sách; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước; tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Về cơ bản, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã đáp ứng được các mục tiêu này. Vấn đề đặt ra là quá trình quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu một thực tiễn khác là khi sáp nhập các đơn vị hành chính đã được công nhận các danh hiệu Anh hùng với các đơn vị hành chính chưa được công nhận danh hiệu Anh hùng. Thực tế, các đơn vị hành chính đến nay chưa được công nhận danh hiệu Anh hùng là do không đạt tiêu chuẩn. Trừ các trường hợp đặc biệt, với một số danh hiệu Anh hùng, khi các đơn vị hành chính trước đây đã không đạt tiêu chuẩn thì đến bây giờ cũng không thể đạt. Vậy, khi sáp nhập 2 đơn vị hành chính này với nhau thì xử lý như thế nào? Tương tự như vậy là các đơn vị hành chính được công nhận là an toàn khu, vùng biên giới, nghèo, ven biển, bãi ngang… sau khi sáp nhập không còn đáp ứng đủ các tiêu chí thì xử lý ra sao?
Thành lập trạm y tế, trường học theo quy mô dân số
Giải trình về các vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị đối với đơn vị hành chính mới sau sắp xếp cần tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Y tế thành lập các trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo quy mô dân số. Đây cũng là quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quan điểm, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, tạo động lực, tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới nâng cao đời sống của người dân, giữ được ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đồng thời vẫn bảo đảm được yêu cầu, xu thế phát triển của đất nước, đặc biệt là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Chính phủ cảm ơn các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khẳng định sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải trình, tiếp thu đối đa các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thành các công việc theo quy định để triển khai Nghị quyết.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành xem xét, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nguyên tắc; giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản; trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.