ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT KẾ HOẠCH CHI TIẾT VÀ ĐỀ CƯƠNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH KỂ TỪ KHI LUẬT QUY HOẠCH CÓ HIỆU LỰC
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, sáng 22/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành'.
Tham dự Phiên họp còn có đại diện các bộ ngành của Chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, đại diện Tổng Kiểm toán Nhà nước; đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát trình bày Báo cáo tóm tắt Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.
Về kế hoạch chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, kế hoạch này đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các luật, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan. Đồng thời, đánh giá việc quản lý các quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện (quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành)... là những quy hoạch có ảnh hưởng lớn đến quản lý đầu tư công, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân.
Về nội dung giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc tập trung vào các vấn đề như: Việc ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; Việc triển khai công tác quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Việc rà soát, ban hành danh mục quy hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt…
Về các đề cương báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đề cương được xây dựng căn cứ đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ được giao cho các cơ quan liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật liên quan bao gồm 8 đề cương: (1) Báo cáo của Chính phủ; (2) Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (3) Báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường; (4) Báo cáo của Bộ Xây dựng; (5) Báo cáo của các Bộ, ngành khác; (6) Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (7) Báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; (8) Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát.
Các Đề cương báo cáo bố cục gồm ba phần và các phụ lục kèm theo, tập trung đánh giá tình hình ban hành và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó báo cáo cụ thể kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm. Từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.
Tại Phiên họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Kế hoạch chi tiết và 8 Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề được chuẩn bị công phu, bám sát yêu cầu trong Nghị quyết số 19 của Quốc hội cũng như yêu cầu về nội dung, lộ trình thực hiện. Về đối tượng giám sát, trong Kế hoạch có thể hiện kế hoạch giám sát của HĐND cấp tỉnh gắn với đoàn đại biểu Quốc hội. HĐND cấp tỉnh với 2 tư cách là đối tượng chịu sự giám sát và chủ thể giám sát. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng mặc dù kế hoạch đã đề ra rõ nhưng trong nội dung của kế hoạch chưa thấy HĐND báo cáo với tư cách là đối tượng chịu sự giám sát, đề nghị làm rõ hơn vấn đề này cũng như trách nhiệm tổng hợp của UBND như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội là chủ thể chính và có thể phối hợp với HĐND hoặc HĐND tổ chức giám sát theo thẩm quyền để cung cấp kết quả giám sát cho Đoàn Giám sát.
Về việc Đề cương báo cáo của UBND và Đề cương báo cáo của HĐND có nhiều nội dung trùng nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét thêm vấn đề này và thiết kế đề cương phù hợp yêu cầu và nội dung, tránh trùng lắp. UBND báo cáo tổng hợp về công tác triển khai, tổ chức thi hành Luật Quy hoạch ở địa phương. Còn HĐND cũng là chủ thể triển khai, thi hành luật nhưng chỉ ở mức độ nào đó, ví dụ như có vai trò phê duyệt chủ trương về quy hoạch. Đoàn đại biểu Quốc hội có vai trò giám sát.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo về cơ bản chuẩn bị tốt, cách tiếp cận mang tính toàn diện hơn, khái quát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nêu rõ trọng tâm là giám sát thực hiện chính sách, pháp luật chứ không phải giám sát ban hành chính sách, pháp luật. Về đối tượng giám sát, HĐND là chủ thể độc lập, ban hành kế hoạch giám sát, do vậy chỉ phối hợp tham gia. Cả Đoàn ĐBQH và HĐND cùng thực hiện giám sát thì dễ bị trùng lắp, do đó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, HĐND phối hợp thực hiện để có báo cáo chung về giám sát chuyên đề này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo và cho biết hồ sơ được chuẩn bị công phu. “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là một trong 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, do vây tính từ nay đến kì họp cuối năm, chúng ta cần hoàn thiện báo cáo. Quá trình xây dựng các vấn đề liên quan đến giám sát có nhiều điểm mới cần tổng kết để rút kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng lần này trong Nghị quyết về giám sát của Quốc hội, quyết định về Kế hoạch cũng như Đề cương chi tiết, Quốc hội chỉ đồng ý về chủ trương Đoàn giám sát và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ban hành Kế hoạch cũng như Đề cương chi tiết, cụ thể của các cuộc giám sát. Đây là điểm mới so với trước đây. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tận dụng tối đa sự đóng góp của các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan hữu quan của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để xây dựng dự thảo Kế hoạch, Đề cương chi tiết, chương trình kiểm toán chi tiết và các mẫu biểu kèm theo. Cuộc giám sát phải được chuẩn bị theo tinh thần kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa để đảm bảo chất lượng cho hoạt động giám sát này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, giám sát là khâu trung tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Do đó phải đầu tư công sức, trí tuệ, cách làm khoa học, hiệu quả, đồng thời phải làm đến nơi đến chốn, gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời có giám sát tổng thể, giám sát trực tiếp, phải có trọng tâm, trọng điểm. Nguyên lý của kiểm tra, giám sát là “nguyên tắc bốn mắt”, phải nghe nhiều chiều, nhiều kênh, có tính chất độc lập. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng ba Đề cương của Đoàn giám sát của Quốc hội, của HĐND và của UBND có thể trùng vấn đề do cùng mục đích, cùng đối tượng, cùng yêu cầu, cùng địa bàn nhưng cách nhìn và quan điểm khác nhau tùy vào sự đánh giá độc lập của từng cơ quan.
Thực hiện chính sách, pháp luật bao gồm việc ban hành luật, tổ chức thực thi pháp luật về quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch một cách toàn diện ở các bộ ngành, địa phương. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Nghị quyết 161/2021/QH14 cũng như định hướng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là chú trọng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, qua việc tổ chức thực hiện, phát hiện những hạn chế, bất cập liên quan đến xây dựng, phê duyệt, quản lý quy hoạch, đồng thời bám sát Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 để tiến hành thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành bao gồm việc ban hành, tổ chức thực thi pháp luật, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch hiện có mà theo Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 cho phép. Tuy nhiên việc ban hành, tổ chức thực thi pháp luật đối với Luật Quy hoạch mới hiện nay còn chậm, tác động nhiều đến phát triển, do vậy Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong cuộc giám sát này cần đánh giá cho được lí do vì sao chậm, chất lượng quy hoạch như thế nào. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đối với từng bộ ngành phải khảo sát và làm việc trực tiếp, có trọng tâm trọng điểm đầu mối như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng…
Cũng tại Phiên họp, các ý kiến cho rằng từng Đề cương báo cáo được xây dựng cụ thể phải bám sát theo 6 nội dung giám sát của Kế hoạch chi tiết.
Đánh giá việc ban hành chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan, có ý kiến đề nghị cần làm rõ những nội dung sau: sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật; sự cần thiết, tính hợp lý; tính đầy đủ; tính kịp thời; tính đồng bộ, thống nhất.
Đánh giá việc triển khai, thực hiện công tác quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, có ý kiến đề nghị làm rõ về việc lập dự toán, phân bổ kinh phí lập quy hoạch; lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; tiến độ lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030; việc thực hiện các trình tự, thủ tục trong hoạt động quy hoạch; việc tuân thủ các quy định về căn cứ, yêu cầu, nội dung quy hoạch của từng cấp/loại quy hoạch theo hệ thống quy hoạch quốc gia; công khai thông tin quy hoạch; xử lý vi phạm (nếu có). Tác động đối với công tác quản lý nhà nước, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Kế hoạch chi tiết và Đề cương các báo cáo, có một số đóng góp cụ thể về Kế hoạch và đề cương, đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện Kế hoạch, Đề cương các báo cáo, và xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội trước khi ký ban hành.
Về phương pháp luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tạo được sự thống nhất nhận thức trong chủ thể giám sát và đối tượng giám sát. Đồng thời cần thiết nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong tình hình mới phù hợp với chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức sao cho phù hợp trong tình hình hiện nay. Và đặt ra yêu cầu cao hơn như Chủ tịch Quốc hội đã đề cập, qua giám sát, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tạo được điểm nhấn, tạo được sự lan tỏa trong hoạt động giám sát cả nhiệm kỳ.
Đối với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần rà soát kỹ tiến trình thực hiện, thời gian, bố trí các khâu, các bước phù hợp, tránh chồng chéo với các hội nghị lớn của Trung ương, của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các sự kiện lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đề nghị rà soát kỹ và xác định Kế hoạch, Đề cương báo cáo chi tiết cho cả chủ thể giám sát và đối tượng giám sát sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nhất là khối địa phương. Ba báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp để tiến hành giám sát, HĐND tự giám sát và báo cáo cũng như báo cáo của UBND thì không giống nhau về nhận định, có thể trùng nhau về phạm vi, nội dung nhưng quan điểm, nhìn nhận, đánh giá khác nhau theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Đoàn giám sát phải xác định trọng tâm, trọng điểm và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi tổ chức giám sát thực tế ở địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện giám sát theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải giải quyết tốt các mối quan hệ: giữa toàn diện và trọng điểm, giữa nội dung và phương thức, giữa chủ thể và đối tượng, giữa kế thừa và phát triển, tận dụng các báo cáo của tất cả các lĩnh vực, các ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này cần bám sát Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và có thể chia 2 giai đoạn, đánh giá sự chuyên biến trước khi có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và sau khi có Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14, cả giai đoạn giao thoa có sự rủi ro cũng như những kết quả làm được, tập trung làm rõ giai đoạn này để có những đề xuất về chính sách cụ thể. Đồng thời đánh giá lí do vì sao việc lập, thông qua phê duyệt còn chậm trễ, chất lượng quy hoạch đã đáp ứng yêu cầu hay chưa, chú ý quy hoạch toàn diện ở tất cả nội dung như trong Đề cương và Kế hoạch chi tiết. Các bộ ngành thống nhất trọng điểm như báo cáo Ủy ban Kinh tế đã nêu./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=58955