ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI HỌP PHIÊN TOÀN THỂ LẦN THỨ 16

Ngày 22/12/2020, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 16.

Tham dự phiên họp còn có các đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các cơ quan tổ chức hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển nhưng cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, sự gia tăng mạnh của một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại và các khiếu kiện hành chính tăng.

Ủy ban Tư pháp ghi nhận, trong bối cảnh đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cáo đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tích cực triển khai Hiến pháp 2013 và các luật mới về tư pháp. Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp pháp của Viện kiểm sát nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực về cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Cụ thể, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Số trường hợp đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm đã giảm qua các năm.

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày báo cáo công tác của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày báo cáo công tác của ngành kiểm sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Do đó, cần rà soát, phân tích đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được và hạn chế cũng như giải pháp trọng tâm để Viện kiểm sát nhân dân các cấp nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai các giải pháp quyết liệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm.

Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá cao nhưng kết quả đạt được của ngành Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và cho rằng, trong bối cảnh số lượng các vụ việc Tòa án đã thụ lý, giải quyết là rất lớn và tiếp tục có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, nhưng Tòa án nhân dân các cấp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tăng qua từng năm và khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong giải quyết, xét xử, cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Trong đó, việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,3%, vượt 19,3% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 96/2019/QH14. Đã cơ bản khắc phục được việc để án quá thời hạn do nguyên nhân chủ quan. Hầu hết các vụ án đưa ra xét xử đều trong thời hạn luật định.

Đặc biệt, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực triển khai đồng bộ 17 giải pháp đổi mới trên các lĩnh vực công tác để thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần làm rõ nguyên nhân chủ quan, khác quan để từ đó đưa ra những giải pháp tương xứng để khắc phục trong thời gian tới. Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị Tòa án nhân dân tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trong nhiệm kỳ tới, thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách tư pháp. Đẩy mạnh công tác tổng kết áp dụng pháp luật qua thực tiễn xét xử, trên cơ sở đó ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao, lựa chọn và công bố án lệ, tăng cường hoạt động giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Liên phát biểu tại phiên họp

Chiều cùng ngày, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn quyết định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định: “Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”. Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng các văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp tán thành với các căn cứ pháp lý và việc chuẩn bị hồ sơ Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa kịp thời , có phần chậm so với thời điểm có hiệu lực của Luật. Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề vừa đảm bảo tính chất hoạt động của cơ quan này, đồng thời bảo đảm việc quy định cơ cấu tổ chức phù hợp với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kết luận phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Tư pháp để hoàn thiện lại Tờ trình để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50734