Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp xem xét quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải
UB Tư pháp của Quốc hội vừa họp xem xét tính đúng đắn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án NDTC trong vụ án Hồ Duy Hải kéo dài từ năm 2008 đến nay.
Sáng nay (16/6), UB Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể về vụ án Hồ Duy Hải. Cuộc họp có sự sự tham dự của hầu hết các thành viên UB Tư pháp (chỉ vắng 1,2 người), không có cơ quan tố tụng.
Cuộc họp nhằm xem xét tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án NDTC. Khi xem xét quyết định giám đốc thẩm cũng là xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố xét xử.
Tại cuộc họp này có 12 thành viên UB Tư pháp phát biểu và đa số đề nghị xem xét lại tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Sau cuộc họp, UB Tư pháp phát phiếu tới 39 thành viên của ủy ban để lấy ý kiến.
Dự kiến ngày mai sẽ có kết quả ý kiến của các thành viên UB. Trên cơ sở kết quả này, UB Tư pháp sẽ nêu quan điểm, báo cáo, tham mưu đến cấp có thẩm quyền về vụ án Hồ Duy Hải.
Được biết, sau phiên giám đốc thẩm, gia đình Hồ Duy Hải tiếp tục có kiến nghị đến UB Tư pháp. Ngoài ra, các ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và đặc biệt Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị UB Tư pháp mở phiên họp toàn thể.
Đây không phải là lần đầu tiên UB Tư pháp của Quốc hội họp toàn thể để thảo luận về một vụ án.
Trước đó, tại phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu đề cập đến vụ Hồ Duy Hải, trong đó có hai cuộc tranh luận đáng chú ý. Cuộc tranh luận giữa ĐB Lưu Bình Nhưỡng và ĐB Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Sỹ Cương về uy tín nền tư pháp qua vụ án Hồ Duy Hải vào sáng hôm 15/6. Cuộc tranh luận khác giữa ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) với Phó Chánh án tòa cấp cao Phạm Hồng Phong vào ngày 14/5, sau đó có sự tham gia của ĐB Trương Trọng Nghĩa...
Cũng tại phiên thảo luận này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, trong đó lời khai đầu tiên đã tự viết ra "khá chi tiết nội dung vụ án", chứ không phải qua hỏi cung.
Ông Bình khẳng định ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hồ Duy Hải đều nhận tội, đặc biệt lúc nhận kết luận điều tra và cáo trạng. Trong đơn gửi Chủ tịch nước, Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hồ Duy Hải.