Ủy ban Văn hóa, Giáo dục giám sát tại Đồng Nai

Chiều 22.9, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Theo báo cáo, những năm qua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất trường mầm non, sau đó bàn giao cho UBND huyện, thành phố để phát triển thêm trường công lập với nhiệm vụ vừa chăm sóc nuôi dạy con em công nhân và con em nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng trường mầm non có quy mô lớn, hoạt động phục vụ học sinh là con em công nhân lao động của công ty như: Trường mẫu giáo Đông Phương xây dựng tại khu công nghiệp Sông Mây - huyện Trảng Bom; Trường mẫu giáo Dona standard tại khu công nghiệp Xuân Lộc - huyện Xuân Lộc thuộc tập đoàn Phong Thái (quy mô 900 trẻ); Trường mầm non Những Bông hoa nhỏ của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam; Trường mầm non Thái Quang của Công ty Cổ phần Tae-Kwang Vina Industrial đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng tại khu công nghiệp Agtex- thành phố Biên Hòa (quy mô 500 trẻ). Trẻ học tại các trường mầm non này, phụ huynh chỉ đóng một phần tiền ăn, còn lại công ty hỗ trợ 100% học phí và các khoản phụ thu khác.

Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai chiều 22.9

Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai chiều 22.9

Số lượng cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là 1.227 cơ sở, gồm: 201 trường mầm non công lập, 153 trường mầm non tư thục và 873 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số trẻ mầm non ra lớp tại các cơ sở giáo dục mầm non khu công nghiệp là: 142.531 trẻ, trong đó 25.171 trẻ nhà trẻ, 117.360 trẻ mẫu giáo, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 42.554 trẻ. Tổng số giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non khu công nghiệp là 10.751 giáo viên, trong đó 4.394 giáo viên công lập, 2.517 giáo viên tư thục, 3.840 giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Tuy nhiên hiện nay, ở những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như thành phố Biên Hòa, huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch... số lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển mạnh do nhu cầu trẻ mầm non ra lớp tăng nhanh hàng năm. Trẻ tại các khu vực này đa phần là con công nhân lao động, mức thu học phí thường không cao, dao động từ 1.200.000 - 1.800.000 đồng. Kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa hạn chế, kinh phí đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất hàng năm không nhiều, vì thế vẫn còn nhiều cơ sở xuống cấp chưa kịp thời khắc phục, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đủ theo quy định.

Đáng chú ý, tác động của sự suy thoái kinh tế/dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc đầu tư nguồn lực bảo đảm cho giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục mầm non ngoài công lập, khu công nghiệp nói riêng. Do thời gian ngừng hoạt động kéo dài, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có nguồn thu ổn định, vì thế kinh phí đầu tư, bảo dưỡng cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng dạy học, đồ chơi hạn chế, dẫn đến một số đơn vị chưa bảo đảm tốt môi trường giáo dục cho trẻ.

Hiện nay toàn tỉnh thiếu 712 giáo viên theo quy định, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Số giáo viên đăng ký tuyển dụng hàng năm không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế còn thiếu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành chính sách đặc thù xây dựng trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất, để giải quyết các vấn đề về quỹ đất cho giáo dục mầm non và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng và hỗ trợ kinh phí cho con em công nhân đang làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ chế phối hợp trong thực hiện xây dựng “Thiết chế công đoàn” để bảo đảm các thủ tục thống nhất, tạo điều kiện cho địa phương triển khai, thực hiện.

Các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ bảo đảm chỉ tiêu biên chế giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đoàn giám sát ghi nhận, bên cạnh các chính sách theo quy định của Chính phủ, Đồng Nai có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng về đất đai, vốn vay, thuế… phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những huyện, thành phố có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu gửi con của nhân dân, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khi dân số tự nhiên và cơ học của tỉnh hàng năm đều tăng mạnh. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là sự quan tâm và đầu tư đúng hướng.

Đoàn giám sát cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Đồng Nai về áp lực gia tăng dân số cơ học, kéo theo đó là một loạt thách thức về chỗ ở, chỗ học tập, chăm sóc sức khỏe... Bên cạnh đó là tình trạng thiếu lớp học, thiếu giáo viên, tỷ lệ trẻ em/lớp cao. Sự thiếu giáo viên không chỉ do lộ trình tinh giản biên chế mà còn bởi nhiều giáo viên bỏ việc. Vì thế, cần có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giữ chân các cô giáo, duy trì các điểm nhóm trông trẻ, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, với địa phương...

+ Trước đó, Đoàn giám sát đã làm việc với UBND thành phố Biên Hòa, khảo sát tại một số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/uy-ban-van-hoa-giao-duc-giam-sat-tai-dong-nai-i301382/