Uy lực đơn vị robot chiến đấu đầu tiên của Nga trong tương lai

Những cỗ máy này được trang bị với tên lửa, súng máy hạng nặng và có khả năng khiến những kẻ khủng bố phải rời khỏi những vị trí kiên cố nhất.

Truyền thông Nga dẫn nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng cho biết, đến năm 2025, Nga sẽ chứng kiến sự xuất hiện của đội robot đa chức năng đầu tiên, thay thế con người trên chiến trường.

Dự kiến, đơn vị robot đa chức năng đầu tiên của Nga sẽ ra mắt vào năm 2025. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Dự kiến, đơn vị robot đa chức năng đầu tiên của Nga sẽ ra mắt vào năm 2025. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Marker và Uran-9

Một trong những robot đầu tiên sẽ dựa trên nền tảng Marker và nhìn bề ngoài sẽ giống như chiếc xe chiến đấu bộ binh (IFV) phiên bản thu nhỏ.

Các thành phần đầu tiên trong nhóm những chiếc “xe tăng không người lái” sẽ gồm 5 cỗ máy được kiểm soát bằng AI (trí tuệ nhân tạo). Mỗi cỗ máy sẽ có một nhiệm vụ cụ thể riêng biệt và cùng với nhau, chúng sẽ thay thế hoàn toàn sức người.

“Nó bao gồm không chỉ các binh sỹ khai hỏa súng máy, mà còn cả người vận hành. Ví dụ, một số cỗ máy sẽ đảm nhận nhiệm vụ của người điều khiển súng – người theo dõi các mục tiêu trên mặt đất và đưa ra kế hoạch tấn công. Các cỗ máy khác sẽ đóng vai trò như “người tiếp nhiên liệu” và “bộ phận cơ học” trên chiến trường...”, Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Arsenal Otechestva nói với Russia Beyond.

Dự kiến module súng phóng lựu cùng đạn pháo cỡ nòng 120mm sẽ được triển khai trên các robot chiến đấu. Loại vũ khí này sẽ có khả năng phá hủy hỏa lực của kẻ thù ở các hầm, hào và các xe bọc thép hạng nhẹ trên các chiến trường mở.

Hơn nữa, đội robot chiến đấu còn được yểm trợ bởi những chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ trang bị lựu đạn và bom không dẫn đường.

Bên cạnh hệ thống Marker, Nga cũng đã có “xe tăng mini” Uran-9 từng được thử nghiệm trên chiến trường Syria. Ảnh: Sputnik

Bên cạnh hệ thống Marker, Nga cũng đã có “xe tăng mini” Uran-9 từng được thử nghiệm trên chiến trường Syria. Ảnh: Sputnik

Bên cạnh hệ thống Marker, Nga cũng đã có “xe tăng mini” Uran-9 từng được thử nghiệm trên chiến trường Syria. Tổ hợp robot này dựa trên khung gầm của một chiếc xe tăng.

Uran-9 có thể yểm trợ cho bộ binh và trinh sát. Nhờ hệ thống tên lửa Ataka và Igla, robot này có thể loại bỏ được nhiều mục tiêu – từ máy bay tầm thấp cho tới xe bọc thép hạng nhẹ và các công sự của kẻ thù.

Ngoài ra, Uran-9 còn được trang bị pháo tự động 2A72 cỡ nòng 30mm và súng máy cỡ nòng 7,62mm.

Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều lạc quan về hiệu quả của các robot trên chiến trường trong tương lai. Theo một số chuyên gia, cần phải khắc phục nhiều vấn đề thiết kế để các robot chiến đấu đủ sức thay thế con người trên chiến trường.

Nhiều vấn đề cần khắc phục

“Vấn đề chính của tất cả các hệ thống tự động này là cần điều khiển từ xa. Robot không thể đưa ra các quyết định độc lập để loại bỏ kẻ thù và nếu mất kết nối vệ tinh do một cuộc tấn công tên lửa hay vì lý do nào đó khác, cỗ máy sẽ bị vô hiệu hóa”, Dmitry Safonov, một chuyên gia phân tích quân sự cho tờ Izvestia nói với Russia Beyond.

Ông nói rằng, các kỹ sư quân sự của Nga đang tìm cách khắc phục những tình huống như vậy trên thao trường huấn luyện. Về vấn đề này, họ không chỉ khai hỏa vào chính những robot chiến đấu, phá hủy chúng bằng mìn, mà còn quan sát chúng sẽ vận hành thế nào dưới sự ảnh hưởng của thiết bị tác chiến điện tử của kẻ thù, vốn được thiết kế nhằm vô hiệu hóa các cỗ máy chiến đấu trên chiến trường.

Các chuyên gia quân sự nhận định, robot chiến đấu vẫn chưa thể bì được với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Các chuyên gia quân sự nhận định, robot chiến đấu vẫn chưa thể bì được với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Trong khi đó, ông Safonov cũng nhấn mạnh, hệ thống khai hỏa tự động đầu tiên vẫn chưa thể bì được với xe tăng và xe chiến đấu bộ binh về mặt hỏa lực.

“Hiện tại, chúng không có khả năng đổi chiều kết quả trên chiến trường – không nghi ngờ gì việc các robot ngày nay khi có thể giúp giảm bớt thương vong cho các lực lượng đặc nhiệm, nhưng yếu tố con người sẽ vẫn quyết định kết quả của chiến tranh. Con người sẽ vẫn phải ra chiến trường trong vài thập kỷ nữa”, ông Safonov kết luận”./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo RBTH

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/uy-luc-don-vi-robot-chien-dau-dau-tien-cua-nga-trong-tuong-lai-985722.vov