Uzbekistan muốn khởi động lại dự án khí đốt với Kyrgyzstan
Vào hôm 2/2, Uzbekistan đã bày tỏ mong muốn khởi động lại một dự án khí đốt, nằm ở khu vực biên giới với Kyrgyzstan, chỉ vài ngày sau khi hai quốc gia Trung Á này hoàn tất phân định biên giới và chấm dứt cuộc tranh chấp lâu dài.
Thật vậy, Tổng thống Uzbekistan và Kyrgyzstan đã ký kết một thỏa thuận vào hôm 27/1, phân định biên giới dài 1.400 km giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này. Thông báo khởi động lại dự án khí đốt trên chính là tín hiệu công khai và hữu hình đầu tiên về mong muốn nối lại hợp tác. Trong quá khứ, vấn đề phân định ranh giới không rạch ròi đã gây ra xung đột vùng biên giới, giữa các cộng đồng địa phương hai bên, nhất là những xung đột về quyền sử dụng đồng cỏ hoặc nguồn nước quan trọng.
Theo hãng thông tấn UzA, vào tuần trước, ông Chavat Mirzioev - Tổng thống Uzbekistan, đã thảo luận với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, về kế hoạch khởi động lại cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất vùng Sokh (Uzbekistan). Nơi này đã bị đóng cửa trong nhiều năm.
Hiện nay, Uzbekistan đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhiều người dân không có điện hoặc nguồn sưởi ấm trong những tuần gần đây. Do đó, quốc gia đông dân nhất vùng Trung Á này đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung, nhất là nguồn khí đốt từ Turkmenistan và Nga. Ông Chavat Mirzioev cho biết thêm: “Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của chúng tôi sẽ đến thăm Kyrgyzstan để thống nhất những vấn đề về kỹ thuật”.
Vùng đất Sokh của người Uzbekistan, nằm về phía tây nam đất nước, là vùng đất lớn ở Trung Á, với diện tích 350 km2 và dân số 70.000 người. Trao đổi với UzA, Phó Thủ tướng Uzbekistan Zhurabek Mirzamakhmudov cho biết, cơ sở lưu trữ khí đốt thuộc dự án có thể tích trữ “tầm 2,5 đến 3 tỷ m3” khí.
Ông Mirzamakhmudov nói thêm: “Phần lớn khí đốt được trữ ở Kyrgyzstan, còn các máy nén khí thì nằm ở Uzbekistan. Do đó, chúng tôi đang tiến hành đàm phán về việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng”.
Tuy Uzbekistan là một trong những nhà khai thác khí đốt lớn của thế giới, quốc gia này cũng đang gặp phải tình trạng thiếu hụt do nhu cầu tăng mạnh, cùng với thời tiết mùa đông lạnh bất thường và cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Do cuộc khủng hoảng này, nhiều chính trị gia và công chức cấp cao đã bị sa thải.