Và điều gì sẽ hiển lộ giữa những làn điệu tư tưởng?

Tháng 2/2020, nhà thơ người Hungary Attila F. Balázs sẽ tới Việt Nam dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 và chính thức xuất hiện để tiếp xúc độc giả Việt Nam trong Sự kiện ra mắt cuốn sách thơ đầu tiên của ông tại Hà Nội mang tựa đề 'Xác thịt vô cảm'. Chúng ta cùng tìm hiểu về phong cách thơ Attila F. Balázs với bài viết của dịch giả Károly Sándor Pallai, qua bản dịch của dịch giả Văn Minh Thiều.

Đọc thơ của nhà thơ Attila F. Balázs chúng ta đắm chìm trong những câu chữ, trong những cơn gió dịu mát hay trong trận cuồng phong dữ dội với sự gần gũi sâu lắng của thế giới thơ ông, chúng ta hoàn toàn bị cuốn hút không thể cưỡng lại được thậm chí còn bị bứt ra khỏi sự rành mạch chán ngắt để đối diện với một tác phẩm nhất quán với cách biểu hiện tinh tế. Nhà thơ chỉ cho ta thấy một thế giới trải rộng, những vấn đề gợi mở, những phong cách, những làn điệu tư tưởng, giữa thế giới vật chất cụ thể và những khát vọng thăng hoa, những tính cách trừu tượng và siêu việt: “anh nhẫn nhục giơ tay/ cho vị hắc thần/ người đã lấy ở anh dấu vân tay/ giữa sa mạc.”

Nhà thơ Attila F. Balázs

Nhà thơ Attila F. Balázs

Việc đọc ông dẫn chúng ta từ sự độc đáo về tiểu sử, từ sự đồng nhất chói sáng, những sự phản ánh nội tâm đa dạng đến sự khai mở, sự giải phóng tác phẩm bằng sự phân rã, sự vỡ vụn cái thực thể chủ quan, bằng sự hòa tan giọng điệu cá nhân, sự hòa quyện giữa cá nhân và cộng đồng. Nhà thơ tìm cách bóc trần thói đạo đức giả, sự vô nhân đạo, bộ máy lừa bịp của chủ nghĩa dân túy, xác định rõ ràng tình cảnh của dân chúng: “Họ sẽ theo anh như theo đấng cứu thế/ và họ sẽ cảm thấy tự do/ sau những song sắt nhà tù mới được tân trang.”

Ngoài khả năng làm phát triển và nảy nở ngữ nghĩa, thơ Attila F. Balázs còn phát hiện và khai mở bộ mặt luôn đổi thay của thế giới bằng cách kết nối giản dị và rõ ràng giữa thơ ca với ngữ âm và triết học. Trong thơ ông từ ngữ được nén chặt, cô đọng tới mức tối giản, câu thơ súc tích, cách diễn đạt sáng tạo bởi những phép tu từ đích thực: “những ký tự/ mất đi ý nghĩa/ thì sự khởi đầu cũng sẽ là kết thúc.”

Việc kết hợp bản chất triết học và đặc tính súc tích của thơ ông, khía cạnh trò chơi với xu hướng nghiêm khắc, chặt chẽ đã biến tác giả trở thành vừa là nhà cải cách, vừa là nhạc sĩ, nghệ sĩ, là thầy phù thủy về ngôn ngữ. Ông còn là nhà hóa học, là dược sĩ hay người thợ kim hoàn khi chuyển tải sự giàu có của ngôn ngữ qua các bài thơ luôn có cách diễn đạt mới với sức mạnh tiềm ẩn. “– như trong tổ kén –/ bướm thoát ra/ từ thân thể của chúng ta bị vứt bỏ”.

Trong tuyển tập và trong tác phẩm của ông, cuộc sống với những trải nghiệm đã được chuyển thành thơ và đến lượt mình thơ lại trở thành niềm hy vọng cuối cùng, thành trụ đỡ của cuộc sống. Những bài thơ in trên giấy chính là những hình tượng chói sáng độc đáo được đẽo tạc bởi nhu cầu muốn được in dấu trên thế giới này và còn được đẽo tạc bởi dòng chảy của thời gian, bởi những sự kiện, những trải nghiệm phát triển và nảy nở trong những từ ngữ và trong các câu thơ cũng như trong biết bao nhiêu sự tái hiện thực tại một cách nghệ thuật. Bằng diễn giải gián tiếp và các phép ẩn dụ, thơ Attila F. Balázs đã chứng tỏ rằng bất cứ tác phẩm văn chương nào cũng đều bị dang dở, bị bỏ lửng giữa sự khó nói, khó tả với sự thể hiện chữ nghĩa trong cuộc tìm kiếm sự bất tử, giữa bản sắc và chân lý thơ ca: “chiếc ghế trống/ nhìn tôi bằng lòng trắng/ Thượng Đế chẳng có thời giờ gặp tôi” hay “anh co rúm người lại/ trong lòng bàn tay của vị thần im lặng/ sự im lặng của anh/ như vị thánh trong bức tranh/ nói/ không lời.”

Như thế, chúng ta chứng kiến quá trình đơn độc đi tìm dấu ấn cá nhân, tạo dựng huyền thoại. Sự quan sát thay đổi theo những mức độ khác nhau và theo khoảng cách, những giới hạn mờ đi hay rõ dần lên nhờ việc trải qua sự phát triển quan trọng của chủ nghĩa hiện thực tinh vi (Micro–reálisme) đến sự rút gọn toàn thể: “những bàn tay không bắt/…/ bầu trời là một vỏ sò vĩ đại/ với trái đất nổi sóng/ những mái nhà phủ đầy tro/ cây cối đứng lặng phắc trong cử chỉ dâng hiến/…/ những cơn gió chết chóc/ sau tấm màn che ta biết/ những bàn tay không bắt.”

Tác giả đã cầu đến những chất liệu tâm lí, lịch sử, chính trị để miêu tả đường đi của mình qua những chất liệu đậm đặc của cuộc sống và để phản ánh những thời kỳ, những giai đoạn chọn lọc và được phóng đại bởi sức nặng của cảm xúc về những chủ đề trữ tình. Việc đó còn đòi hỏi một không gian thơ ca sinh động được cấu trúc hóa bằng những từ ngữ bột phát, bằng sự tôi luyện thuần khiết của văn viết và nói. Câu thơ chính là nguyên tử mà hạt nhân chính là các chữ, các từ chuyển động trong vòng quay bất tận của thế giới ngôn ngữ và chính những từ ngữ đó làm chủ và thuần hóa những phép chuyển nghĩa trống rỗng, tha hóa, mất thiện cảm: “những từ ngữ của anh nện mạnh/ trên ngưỡng cửa của cảm giác chai lì/ như những con sâu”, “tôi xếp lại những từ/ nóng rẫy trên trang giấy:/ những vết bỏng”, “tôi đau khổ vì khát/ dưới bóng những từ”, “những từ bật ra từ những cái đầu quả quyết”, “những từ rơi ra từ bài thơ”, “như những dải cát từ chiếc đồng hồ cát/ từ trong đó trôi đi chậm rãi/ những từ đang đánh mất đi/ ý nghĩa của mình”.

Theo lộ trình khoa học và có tính bản thể đưa ra bởi nhà thơ, chúng ta đang đối đầu với sự tận thế về ngữ nghĩa mà ở đó việc đánh bóng hình tượng đã trở nên bão hòa và có vẻ như đã suy tàn và người ta chỉ có thể nhận thấy sự cạn kiệt của thế giới ngôn ngữ và khách thể. Nhưng tác phẩm không dừng ở chỗ miêu tả, bóc trần và xem xét về mặt nhân quả và về sự tiến triển tiềm tàng. Thực tại trống rỗng mà các nhà thơ phản ánh, tạm thời xét trên bề mặt, là luôn chao đảo trong sự cân bằng bởi sự hòa giải với thế giới và với bản chất phức tạp và thường là nhập nhằng nước đôi của cuộc sống cá nhân con người. Sự trung lập và đặc điểm gián tiếp trong cách nhìn đã được thay bằng sự tiệm cận chắc chắn mà ở đó sự sáng tạo thơ ca xuất hiện như một hành động siêu việt, một cứu cánh của thế giới. Việc nghiền ngẫm tác phẩm giúp ta phát hiện chủ nghĩa lạc quan nội tại xuất hiện khắp các trang sách. Điều đó tạo nên phẩm chất đích thực của một loại thơ ca duy nhất nói về kỳ vọng vĩnh cửu và bất diệt của đời sống con người

Károly Sándor Pallai

(Văn Minh Thiều dịch)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/va-dieu-gi-se-hien-lo-giua-nhung-lan-dieu-tu-tuong-560069.html