Vạ miệng!

Mấy ngày nay, thông tin về một Trung tá công an phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội hiến kế chống gian lận trong thi cử bằng cách đóng cửa các cửa hàng Photocopy gần khu vực thi đã gây bão dư luận...

Theo vị Trung tá này, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối phía đơn vị sẽ cho rà soát tất cả điểm photocopy ở nơi diễn ra điểm thi và yêu cầu các cửa hàng này phải đóng cửa trong suốt quá trình thi. Không photocopy các tài liệu phục vụ thi cử.

Lên phương án tránh gian lận trong thi cử là rất tốt và cần phải làm quyết liệt. Tuy nhiên, việc đóng cửa các quán photocopy là bất hợp lý. Do đó, phát ngôn này đã nhận không ít chê trách từ dư luận vì cho rằng thiếu thực tế: Không ai chờ đến ngày thi mới đi photocopy tài liệu; trên thị trường đâu cứ cửa hàng gần điểm thi mới làm tài liệu theo yêu cầu.

Ở đây, cán bộ công an trên đã có sự nhầm lẫn giữa quyền hành nghề với hành vi vi phạm. Cửa hàng photocopy là hành nghề, có khách đến nhờ photo thì họ làm còn dùng với mục đích gì thì họ không quản được. Hơn nữa, qui chế thi cử chỉ có hiệu lực trong phòng thi để ngăn chặn hành vi quay cóp, sử dụng tài liệu… trái qui định. Phạm vi ngoài phòng thi tuyệt đối không được áp dụng.

Hai ngày sau phát ngôn gây bão của mình vị Trung tá đã lên tiếng thanh minh rằng, do bản thân phát biểu quá nhanh nên một số phóng viên, báo đài đã hiểu lầm nội dung ông muốn truyền đạt. Cụ thể, tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia TP Hà Nội năm 2018 diễn ra sáng 24/5, ông đã có phát biểu đưa ra biện pháp chống gian lận trong kỳ thi này là đề xuất đoàn liên ngành, trong đó có lực lượng công an, thời điểm trước kỳ thi THPT Quốc gia sẽ đi kiểm tra, tuyên truyền và vận động chủ các cửa hàng photocopy gần các địa điểm thi không photocopy tài liệu cho thí sinh. Ông đã đính chính lại thông tin này để truyền thông và công luận hiểu rõ nội dung ông muốn truyền tải, tránh những hiểu lầm không đáng có.

Dù đã lên tiếng thanh minh cho phát ngôn gây sốc của mình nhưng có không ít người vẫn tỏ ý chê trách rằng: “Không biết có phải bệnh nghề nghiệp không mà đụng đến vấn đề gì là nói đến từ “cấm”, “đóng cửa”. Trước khi phát ngôn nhất là trong cuộc họp, ảnh hưởng đến số đông cần sự cẩn trọng trong mỗi lời nói. Hãy đặt mình vào vị trí của đối tượng bị nói đến xem có phương hại đến lợi ích hợp pháp của họ không. Đôi khi chỉ một phát ngôn thiếu chuẩn có thể gây hại cho số đông người. Chưa phương hại đến vật chất cụ thể nhưng có thể đã ảnh hưởng đến tâm lý ức chế người ta rồi”, nickname Thủy Anh bình luận.

Nickname Trúc Minh cũng bày tỏ: “Trong cuộc họp có thể phát biểu quan điểm của mình nhưng phát ngôn để tạo hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng đến người khác thì tuyệt đối không nên”.

Không ít người chỉ một lần “vạ miệng” dù đã lên tiếng xin lỗi và chủ động giải quyết hậu quả, nhưng không thể xóa dấu vết tai tiếng đó.

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/va-mieng-20180529084012272.htm