Và những đóa loa kèn đã nở

'Và những đóa loa kèn đã nở/ Trên bàn xinh như những nụ cười/ Tôi nhắm mắt và bắt đầu tưởng tượng/ Những đóa cười riêng ấy chờ tôi' - câu thơ ấy tôi bắt gặp vào một ngày đầu tháng tư của nhiều năm trước. Lần ấy, chúng tôi đến dự một đám cưới. Nhẽ là bình thường như mọi đám cưới khác, nhưng lại là không bình thường bởi câu chuyện của hai nhân vật chính - cô dâu và chú rể.

Bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Bức tranh thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tình yêu thời chiến

Hôm tổ chức lễ cưới cả hai đều đã lớn tuổi, chú rể ngoài 30 tuổi và cô dâu cũng tầm như thế. Hồi đó, tức là quãng 40 hoặc hơn 40 năm về trước, những ai đã vào tuổi “băm” mà chưa lập gia đình thì coi như… ế. Vậy nên chuyện “không bình thường” của đôi uyên ương mới là “chuyện”.

Chú rể tên Hùng còn cô dâu tên Tâm. Họ quen biết và yêu nhau từ thuở còn là sinh viên. Anh Hùng học trên cô Tâm một khóa. Anh học Khoa Hóa còn cô học Khoa Sinh. Họ quen biết nhau từ trong những buổi sinh hoạt đoàn chung giữa 2 khoa. Cả hai đều là người Hà Nội nên mau chóng thân nhau. Từ những buổi sinh hoạt đoàn và hoạt động chung, đôi trẻ đã cảm mến nhau rồi yêu nhau. Dạo đó, chuyện sinh viên yêu nhau không hiếm nhưng “hơi bị khó” bởi dường như có một điều cấm kỵ vô hình nào đó. Chính bởi cái vô hình kia mà đôi trẻ rất hiếm khi gặp riêng và chỉ giáp mặt nhau trong những buổi sinh hoạt tập thể. Chỉ thế thôi nhưng cũng đủ cho tình yêu của họ cứ âm thầm lớn theo thời gian.

Năm 1979, anh Hùng tốt nghiệp, được phân công về dạy ở một trường cấp 3 bên tỉnh Hà Nam Ninh (nay tách thành 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), còn cuối năm ấy cô Tâm mới ra trường. Điều đáng nói là đầu năm 1979, nhân dân ta lại bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, anh Hùng cùng lớp thanh niên hồi đó nghe theo lệnh tổng động viên lên đường chiến đấu. Hôm chia tay, đôi trẻ bịn rịn và lần đầu tiên trong suốt quá trình yêu nhau anh Hùng mới mạnh dạn nói với cô Tâm: “Đợi anh hoàn thành nhiệm vụ rồi về chúng mình tổ chức lễ cưới nhé”. Cô ngước đôi mắt nhòe lệ nhìn anh thật lâu, rồi cô gật đầu. Bấy giờ anh mới đủ bình tĩnh để lấy cuốn sổ tay với những trang giấy trắng tinh ra tặng cô. Anh bảo: “Những ngày anh đi xa nếu thấy nhớ anh thì viết vào đây nhé”.

Cô Tâm nhận cuốn sổ và cũng lấy từ trong chiếc cặp sinh viên ra một tấm ảnh tặng lại. Anh Hùng đón nhận, trong lòng khấp khởi cho rằng đó là ảnh người yêu. Nhưng không phải, đó là tấm ảnh chụp bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Anh Hùng ngắm bức ảnh và bằng linh cảm của “một người đang yêu một người”, anh nghĩ vài giây rồi nói: “Anh hiểu rồi. Tâm muốn chúng mình sẽ tổ chức đám cưới vào mùa hoa loa kèn nở chứ gì?”. Cô Tâm vui ra mặt, cô đã biết anh đã hiểu lòng cô.

Tinh khiết Tràng An

Giờ thì hoa loa kèn có nhiều. Cứ tháng 4 về là khắp đường phố Hà Nội dường như chỉ thấy hoa loa kèn. Chẳng thế mà người ta đã ví hoa loa kèn là hoa đặc trưng báo hiệu hè về của người Hà Nội. Đó là một thứ hoa cánh trắng, dài, lại hơi cong cong tựa như dáng người con gái Tràng An thướt tha trong tà áo dài trinh nguyên vậy. Mỗi bông hoa dài chừng gần gang tay, nhụy hoa phớt vàng và có hương thơm đậm đà. Chỉ chừng ấy điều giới thiệu về hoa đã cho thấy tấm lòng cô Tâm với tình yêu dành cho anh Hùng là tinh khôi, sâu đậm và cũng rất “con gái Hà thành”.

Sau đúng 10 năm chờ đợi thì lễ cưới của anh Hùng, cô Tâm cũng được tổ chức. Tôi bước vào hôn trường, những dãy bàn thẳng tắp đều đã đông người. Điều đặc biệt là trên từng chiếc bàn đều có một lọ hoa loa kèn. Cô dâu mặc áo dài trắng, nhìn cô và những bông hoa tôi mới hiểu ra vì sao hôm chia tay anh lên biên giới chặn giặc, cô muốn “lễ cưới sẽ tổ chức vào dịp hoa loa kèn nở”. Tôi cũng chợt hiểu thêm một điều, hoa loa kèn là hoa của tình nhân Hà Nội. Và tôi lại thấy hình như mình cũng nôn nao khi bước chân ra phố, đâu đâu cũng thấy hoa loa kèn. Hoa tựa như thiếu nữ Hà thành đang bước vào tuổi yêu, tạo dáng cho một Hà Nội tha thướt, nên thơ và cũng rất nghĩa tình.

Hoa loa kèn được trồng nhiều ở Hà Nội nên được ví là “hoa đặc trưng Hà Nội” dù gốc gác xa xưa nó đến từ nước ngoài. Ở quê hương của loài hoa này nó được gọi là hoa huệ tây. Có lẽ vì thế mà họa sĩ Tô Ngọc Vân mới đặt tựa cho bức tranh nổi tiếng của mình là “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Có thể ông đã cân nhắc kỹ vì nếu đặt tên là “Thiếu nữ bên hoa loa kèn” thì nghe có vẻ không ổn. Mà đặt tên là “Thiếu nữ bên hoa huệ tây” thì nghe cũng sai sai. Và cái tựa “Thiếu nữ bên hoa huệ” xem ra vừa đúng, vừa rất Hà Nội với hình ảnh người thiếu nữ trong tà áo dài với mái tóc đen đang ngồi cúi đầu tự lự.

Với vẻ đẹp vô cùng thanh nhã nên hoa loa kèn thường được người Hà Nội chọn cắm trên bàn. Vào nhà, nhìn thấy lọ hoa loa kèn đang nở thì người vô tâm nhất cũng phải chững lại, thấy cần phải nhẹ nhàng hơn. Và nếu những người trẻ tuổi tìm mua để tặng nhau thì vô cùng ý nghĩa. Năm xưa cô Tâm tặng anh Hùng tấm ảnh chụp bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” đủ cho thấy ý nghĩa đó. Nó vừa nói lên câu chúc an lành, lại vừa nói lên những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước. Hoa loa kèn đã nở như tô điểm cho đường phố Thủ đô bởi sự tinh khiết với lời nhắn nhủ nhắn nhủ: “Người Hà Nội hãy sống thanh cao”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/va-nhung-doa-loa-ken-da-no-post535635.antd