Vác bụng đầy đá, khủng long đi bộ hơn 1.000 km
Những hòn đá cổ được tìm thấy ở Wyoming tiết lộ về những cuộc di cư dài ngày của khủng long.
Được phát hiện gần sông Bighorn của Wyoming, các hòn đá nhẵn mịn to cỡ khoảng nắm tay. Các nhà nghiên cứu cho rằng khủng long đã ăn chúng để giúp nghiền thức ăn.
"Chúng tôi nhìn thấy những viên đá nhẵn mịn này. Trông chúng khá lạ so với tất cả các loại đá khác xung quanh", Joshua Malone, một nghiên cứu sinh về địa chất tại Đại học Texas ở Austin, đồng thời là tác giả của nghiên cứu cho hay.
Để tìm ra nguồn gốc của những hòn đá này, các nhà nghiên cứu kiểm tra các tinh thể nhỏ nằm bên trong chúng được gọi là zircons.
Sau khi phân tích, giới nghiên cứu xác nhận các hòn đá có niên đại khoảng 150 triệu năm trước và nguồn gốc từ khu vực cách nơi chúng được tim thấy hơn 1.000 km về phía đông.
Nhóm nghiên cứu tin rằng những con khủng long camarasaurus đã ăn các hòn đá này ở phía nam Wisconsin rồi mang theo chúng tới vùng phía nam của Wyoming.
Malone cho biết đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng thức ăn để phân tích chuyển động của khủng long. Nếu được xác nhận, nghiên cứu này sẽ đánh dấu chuyến di cư dài nhất từng được phát hiện của loài khủng long sauropod.
Năm 2011, một nghiên cứu về răng khủng long cho thấy những con khủng long camarasaurus có thể di cư hơn 300 km để tìm thức ăn. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn lớn nhất hiện tại của các nhà nghiên cứu là liệu những hòn đá này có thực sự là đồ ăn của lũ khủng long hay không. Thực tế là chúng không được tìm thấy cạnh các bộ xương hóa thạch.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vac-bung-day-da-khung-long-di-bo-hon-1-000-km-ar606595.html