Vắc-xin Covid-19: 'Vũ khí' lợi hại
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định công tác an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu nên quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Việt Nam khác hẳn nhiều nước trên thế giới
Thời gian gần đây đã xảy ra một số tai biến vắc-xin, trong đó một nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu (tỉnh An Giang) tử vong sau khi tiêm. Tuy nhiên, theo kết luận của Hội đồng Chuyên môn - Sở Y tế tỉnh An Giang, nguyên nhân tử vong là do phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non-steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong lịch sử tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Đã tiêm hơn 950.000 mũi
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết ngày 16-5, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận 1.682.400 liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đợt 2 do COVAX Facility tài trợ để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.
Với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, bảo đảm an toàn và độ bao phủ tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 3, rà soát tất cả các điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 950.000 mũi vắc-xin Covid-19. Đối tượng được tiêm chủng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, ban chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội… Theo Bộ Y tế, các trường hợp phản ứng vừa qua chỉ chiếm rất ít trong số những người đã tiêm vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết bất cứ vắc-xin nào, không riêng gì vắc-xin Covid-19, đều có những tỉ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm. Tuy nhiên, phản ứng bất lợi này ở tỉ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn thỏa.
Hiệu quả bảo vệ trên 80%
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong số những người được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam, đến nay ghi nhận có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ, mệt mỏi… Tỉ lệ này là thấp so với các nước trên thế giới và các triệu chứng đã hết sau 24 giờ. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng mức độ nặng hơn như: kẹt huyết áp, nôn nhiều, choáng, phù mạch tại vị trí tiêm...
Về hiệu quả của vắc-xin Covid-19, TS Phạm Quang Thái khẳng định sau khi tiêm mũi thứ nhất, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50%-70%. Hiệu quả này vẫn giữ ở mức như vậy chứ không giảm ngay trong vòng 3 tháng sau khi tiêm liều thứ nhất. Ở liều thứ hai, với nhiều khoảng cách tiêm khác nhau được ghi nhận cho thấy thời điểm tiêm tối ưu là 3 tháng sau mũi thứ nhất và hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, vắc-xin Covid-19 đang được tiêm tại Việt Nam có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi thứ nhất và 84% sau mũi thứ hai, nên vẫn có một tỉ lệ người tiêm có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu khẳng định dù độ bảo vệ của vắc-xin không đạt 100% nhưng người tiêm nếu mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn và không có nguy cơ tử vong.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định công tác an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu nên quy trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của Việt Nam khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới. Đó là Việt Nam yêu cầu thực hiện nghiêm việc khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn. Người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm…
Thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng
Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị, để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống không mong muốn xảy ra trong tiêm chủng.
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời, diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn:
Không vì lo ngại mà bỏ qua vũ khí chống Covid-19
Để tránh những trường hợp tai biến đáng tiếc xảy ra sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, yêu cầu tập huấn kỹ hơn về công tác tiêm chủng, đặc biệt là khâu xử lý tai biến khi tiêm chủng cho tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, phải nhắc đi nhắc lại và cập nhật liên tục; sàng lọc kỹ hơn cho người tiêm, hỏi kỹ tiền sử bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo các trường hợp có cơ địa dị ứng cần tiêm vắc-xin Covid-19 tại các trung tâm y tế có giường bệnh hoặc tại bệnh viện. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo không nên vì lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ chúng ta trước bệnh Covid-19. Điều quan trọng là sau những sự cố vừa qua, ngành y tế tiếp tục rút kinh nghiệm để tránh những việc đáng tiếc xảy ra.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM):
Cần khai báo tình trạng bệnh sử
Vắc-xin là loại thuốc khác so với thuốc chữa bệnh thông thường. Đối với thuốc chữa bệnh thông thường, người sử dụng thuốc chính là người thụ hưởng và được điều trị. Còn vắc-xin là loại thuốc rất đặc biệt, người sử dụng được bảo vệ để phòng bệnh. Trong cộng đồng, nếu tiêm vắc-xin hàng loạt với tỉ lệ 70%-80% thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.
Để phòng tránh phản vệ khi tiêm vắc-xin, cần phải khai báo tình trạng bệnh sử. Tuy nhiên, không thể sàng lọc 100% được. Những người rất khỏe mạnh chưa bao giờ bị dị ứng với thức ăn hay các loại thuốc vẫn có nguy cơ phản vệ. Vì vậy, sau khi tiêm ngừa phải có thời gian ngồi từ 30-60 phút tại điểm tiêm để theo dõi những biến chứng có thể xảy ra. Muốn phòng ngừa Covid-19 thì chỉ tiêm vắc-xin thôi là chưa đủ, mà phải không quên tuân thủ nguyên tắc 5K. Đây là biện pháp dễ thực hiện mà hiệu quả phòng bệnh rất cao.
TS-BS Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội:
Chuẩn bị tâm lý thoải mái, cơ thể khỏe mạnh
Do cơ chế tiêm vắc-xin là để tạo ra một loại protein bề mặt của virus nên đây là một loại dị nguyên lạ và sẽ có một tỉ lệ dù rất nhỏ phản ứng dữ dội với sự xuất hiện của protein, dẫn tới phản ứng phản vệ.
Trong tương lai, hoàn hảo nhất có thể nghĩ tới là test kháng nguyên đối với loại protein bề mặt của virus SARS-CoV-2 trước khi tiêm vắc-xin nhằm biết nguy cơ của từng người. Còn trước mắt, với những người có tiền sử dị ứng nặng nên rất cân nhắc tiêm vắc-xin Covid-19. Nên tiêm vắc-xin ở cơ sở có khả năng và kinh nghiệm cấp cứu các trường hợp phản ứng phản vệ nặng ngay sau tiêm, dù tỉ lệ rất nhỏ. Nếu cấp cứu kịp thời thì người được tiêm giống như vừa bị ngất đi tạm thời thôi. Trước khi tiêm hãy chuẩn bị cho mình tâm lý thật tốt, thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, uống đủ nước và nên uống trước thuốc chống dị ứng, aspirin. Không nên ăn uống quá no trong vòng 60 phút trước khi tiêm.
Sau khi tiêm, cơ thể sẽ bắt đầu sản sinh protein bề mặt của virus SARS-CoV-2. Khi giải phóng vào máu có thể khiến người được tiêm bị cơn rét run và nếu sinh miễn dịch tốt, ngay sau đó sẽ có những phản ứng giống như nhiễm virus thông thường như sốt cao 39 độ C, đau mỏi cơ, mệt mỏi... Sau khi tiêm, nên uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, cung cấp cho cơ thể đủ vitamin; nên đi lại, vận động nhẹ nhàng, tránh nằm một chỗ lâu, ngủ đủ và có thể ngủ nhiều hơn nếu được. Tốt nhất nên xin nghỉ làm 1-2 ngày sau khi tiêm để cơ thể hồi phục.
N.Dung - N.Thạnh ghi
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vac-xin-covid-19-vu-khi-loi-hai-20210515221231333.htm