Vắc xin ngừa Covid-19: Hy vọng cho cuộc chiến chống dịch
Kể từ khi bùng phát vào cuối tháng 12-2019, đại dịch Covid-19 đã lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu khiến hơn 17 triệu ca nhiễm và vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh nỗ lực ngăn chặn đại dịch bùng phát, những tiến triển trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, tổ chức với mong muốn mở ra hy vọng cho cuộc chiến chống dịch bệnh.
Hiệu quả thử nghiệm lâm sàng nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 đang cho kết quả khả quan.
Cuộc đua tìm kiếm “liều thuốc miễn dịch” đang diễn ra với sự gấp rút chưa từng có trong lịch sử y học. Theo Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan, giới nghiên cứu quốc tế đã đạt những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vắc xin ngừa Covid-19. Tính đến giữa tháng 7, đã có 163 loại vắc xin được phát triển, trong đó có 23 loại đang được thử nghiệm lâm sàng trên người và đã có những kết quả tương đối khả quan. Đây là tiền đề tích cực hướng tới việc sản xuất vắc xin hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.
Một trong những loại vắc xin được kỳ vọng hiện nay là AZD1222, do Đại học Oxford và Hãng Dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh phát triển. Sản phẩm đang bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ở Anh, Nam Phi và Brazil với khoảng 8.000 tình nguyện viên. Tại một cuộc điều trần trước Quốc hội Anh hồi đầu tháng 7, người đứng đầu nhóm chuyên trách Kate Bingham nhận định, AZD1222 hiện là vắc xin dẫn đầu thế giới và có thể được cấp phép vào đầu năm sau nếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng tiếp tục cho kết quả tích cực.
Một “ứng cử viên” đầy tiềm năng khác là vắc xin mRNA-1273 của Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 vào ngày 27-7 vừa qua. Dự kiến, có khoảng 30.000 người Mỹ tham gia thử nghiệm vắc xin này. Trong các giai đoạn trước, vắc xin của Moderna đã chứng minh được độ an toàn cùng một số phản ứng miễn dịch kích hoạt trong cơ thể tình nguyện viên.
Tháng 4-2020, Moderna đã được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh học Mỹ (BARDA) đầu tư 483 triệu USD để tăng tốc phát triển mRNA-1273. Tại Trung Quốc, có ít nhất 8 loại vắc xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng ở người, trong đó đáng chú ý là các sản phẩm của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Sinopharm, Công ty Công nghệ sinh học Sinovac Biotech và Công ty Dược sinh học CanSino Biologics... Trong khi đó, Nga cũng đã thông báo kế hoạch của nước này trong việc sản xuất 2 loại vắc xin hứa hẹn nhất, có thể bắt đầu vào tháng 9 và tháng 10 tới.
Quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin sẽ phải mất vài năm để tìm hiểu và có thể mất thêm tới 10-15 năm để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của nhiều quốc gia và tổ chức trong quá trình điều chế vắc xin Covid-19 là dựa trên các sản phẩm sẵn có để phòng ngừa các bệnh khác. AZD1222 được phát triển từ phiên bản của vi rút cúm ChAdOx1 thường xuất hiện ở tinh tinh, hay mRNA-1273 là sản phẩm được chế tạo trên nền một loại vắc xin ngừa vi rút MERS-coV gây hội chứng hô hấp Trung Đông. Dù rút ngắn thời gian nghiên cứu sản xuất, song chất lượng của vắc xin luôn phải được đặt lên hàng đầu, dựa trên những bằng chứng khoa học xác thực để đạt được mục tiêu vừa sớm có vắc xin, vừa bảo đảm hiệu quả phòng dịch.
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, mặc dù đeo khẩu trang, giãn cách và cách ly xã hội có thể giúp giảm thiểu sự lây lan vi rút SARS-CoV-2, song cần phải có một loại vắc xin phòng ngừa an toàn và hiệu quả để kiểm soát đại dịch này. Rất nhiều hy vọng đang được đặt vào khả năng tìm ra vắc xin phòng Covid-19 vào cuối năm nay, tạo nên lá chắn bảo vệ nhân loại trước nguy cơ những làn sóng lây nhiễm tiếp theo ập đến.