Vaccin Trung Quốc và khủng hoảng niềm tin
Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc đang rất bức xúc trước thông tin về việc hàng trăm ngàn trẻ em có thể đã bị tiêm vaccin không đạt chuẩn. Vụ bê bối vaccin thứ 3 ở Trung Quốc kể từ năm 2010 đã khiến người dân hoàn toàn mất lòng tin vào ngành công nghiệp dược phẩm của nước này.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra vaccin ở tỉnh Quảng Tây (EPA).
Sự tức giận của các bậc cha mẹ bùng phát tuần trước sau khi báo chí đưa tin về một cuộc điều tra của chính phủ cho thấy, nhà sản xuất dược phẩm Changchun Changsheng ở Đông Bắc Trung Quốc đã vi phạm tiêu chuẩn trong việc chế tạo ít nhất 250.000 liều vaccin bạch hầu, uốn ván và ho gà.
Mặc dù chưa có báo cáo nào về các trường hợp trẻ em tử vong hoặc bị bệnh liên quan đến vaccin không đạt tiêu chuẩn, song thông tin về vụ bê bối mới như một cú đánh mạnh vào niềm tin của người dân đối với dược phẩm sản xuất tại Trung Quốc, vào thời điểm nước này đang phấn đấu trở thành nhà sản xuất thuốc hàng đầu thế giới.
“Chúng ta luôn nói rằng trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng nếu chúng ta không thể đảm bảo cho sự an toàn cho chúng thì tương lai sẽ mang lại gì cho chúng ta?”, bà Huo Xiaoling, 37 tuổi, ở miền Đông Trung Quốc tức giận. Con gái 1 tuổi của bà đã được tiêm chủng bằng vaccin của Công ty Changchun Changsheng.
Bà Huo cho biết sẽ không mua vaccin do Trung Quốc sản xuất nữa vì bà không thể tin chính quyền sẽ “làm sạch” ngành công nghiệp dược. “Là người Trung Quốc, lẽ ra chúng tôi phải có niềm tin vào đất nước, nhưng nếu cứ bị tổn thương hết lần này tới lần khác thì niềm tin đó đã bị mất”, bà nói với The New York Times.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cố gắng xoa dịu sự giận dữ của dư luận về cuộc khủng hoảng thứ 3 liên quan đến vaccin từ năm 2010. Mặc dù đang đi thăm Rwanda, song ông Tập đã ra tuyên bố gọi sự kiện trên là “khủng khiếp và gây sốc” đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo điều tra tận gốc rễ vụ việc.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn hoài nghi về những phản ứng của chính phủ. Trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến, nhiều người đã lưu truyền một bức ảnh chụp bản tin cho thấy, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng hứa “kiên quyết xử lý tất cả các hành vi bất hợp pháp và tội phạm gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân”. Song bên cạnh đó là một cam kết y hệt mà Thủ tướng đã nói sau vụ bê bối vaccin năm 2016. Điều đó cho thấy chính phủ đã không làm gì để giải quyết vấn đề này.
Changchun Changsheng, công ty có trụ sở tại tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc có doanh thu hơn 235 triệu đô la năm ngoái và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến. Các nhà điều tra cho biết, công ty đã sản xuất hơn 250.000 liều vaccin không đạt chuẩn cho bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà, và đã giả mạo dữ liệu liên quan đến việc sản xuất vaccin dại.
Trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhiều bậc cha mẹ đã tố cáo công ty vì “theo đuổi lợi nhuận mà bỏ qua sức khỏe cộng đồng”. Lãnh đạo của công ty đã xin lỗi và nói rằng họ cảm thấy “rất xấu hổ”. Dưới áp lực của chính phủ, công ty đã ngừng sản xuất và thu hồi các lô vaccin đã sản xuất.
Các quan chức Trung Quốc gần đây coi việc phát triển lĩnh vực dược phẩm là ưu tiên quốc gia. Ngành công nghiệp sản xuất vaccin ở Trung Quốc đang bùng nổ với doanh thu hơn 3 tỉ đô la mỗi năm. Nhưng các vấn đề về an toàn đã đặt ra câu hỏi về sự tăng trưởng của ngành này.
Trong tháng này, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã ra thông báo việc thu hồi tự nguyện một loại thuốc điều trị huyết áp phổ biến được sản xuất tại Trung Quốc. Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại rằng vụ bê bối mới nhất có thể khiến các gia đình Trung Quốc từ chối tiêm chủng.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc “quay lưng” với vaccin.
Minh Đăng