Vaccine chống ung thư mRNA: Cuộc chạy đua toàn cầu mới về công nghệ y tế

Hàng triệu bệnh nhân ung thư trên toàn thế giới nhìn thấy tia hi vọng khi Nga và các nước lần lượt thông báo đạt đột phá trong nỗ lực phát triển vaccine điều trị ung thư hoàn toàn mới, có thể được 'cá nhân hóa' theo từng người bệnh khác nhau, để ngăn chặn sự phát triển của khối u và ngăn ung thư di căn.

Bước nhảy vọt của y tế Nga

Ngành y tế Nga những tuần qua gây tiếng vang lớn khi chuyên gia hàng đầu về bệnh ung thư Andrei Kaprin, hiện là lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu y tế phóng xạ quốc gia (NMRRC), trực thuộc Bộ Y tế Nga, thông báo trên đài Radio Rossiya rằng, Nga đã đạt nhiều thành quả trong nỗ lực phát triển vaccine điều trị bệnh ung thư và có kế hoạch cung cấp miễn phí cho bệnh nhân từ đầu năm sau, trở thành quốc gia đầu tiên có kế hoạch triển khai diện rộng miễn phí vaccine chống ung thư.

Mẫu vaccine mà ông đề cập được bào chế theo công nghệ mRNA, do 3 đơn vị Nga cùng thực hiện, gồm Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya, Viện Nghiên cứu ung thư PA Herzen Moscow, Trung tâm Nghiên cứu y khoa quốc gia N.N Blokhina. Ông Alexander Gintsburg, lãnh đạo Viện Gamaleya (nơi phát triển vaccine ngừa COVID-19 Spunik-V đầu tiên của Nga), giải thích, khác với vaccine phòng bệnh thường được tiêm để ngăn ngừa nguy cơ mắc một loại bệnh truyền nhiễm nào đó, vaccine chống ung thư mRNA dùng để điều trị và được tiêm cho những người đã có chẩn đoán mắc ung thư.

Vaccine mRNA được cho là ít gây tác dụng phụ và hiệu quả hơn các liệu pháp hóa trị chống ung thư. Ảnh: Science Photo Library RF.

Vaccine mRNA được cho là ít gây tác dụng phụ và hiệu quả hơn các liệu pháp hóa trị chống ung thư. Ảnh: Science Photo Library RF.

Các chuyên gia y tế cho biết, công nghệ mRNA được phát hiện năm 1961, song các nhà khoa học phải mất hàng thập kỷ để ứng dụng nó sản xuất vaccine. Theo cách hiểu đơn giản, mRNA trong vaccine là một vật liệu di truyền - chiếc “chìa khóa” mã hóa thông tin một protein đặc hiệu của mầm bệnh. Khi vaccine đi vào cơ thể, mRNA sẽ xâm nhập vào tế bào, “hướng dẫn” bộ máy tổng hợp protein của tế bào tạo ra protein giống như protein được mã hóa của mầm bệnh. Protein mới được tạo ra hoạt động như một kháng nguyên, đào tạo hệ miễn dịch nhận ra nó và tạo kháng thể chống lại tế bào ung thư.

Nga chưa công bố tên, cách thức và thời điểm tiêm vaccine vào cơ thể người bệnh. Truyền thông Nga tiết lộ, đối với vaccine chống ung thư mRNA, để “cá nhân hóa” nó cho từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ sinh thiết khối u, xác định những đột biến phát sinh ở khối u, dựa trên những đột biến, họ sẽ điều chỉnh mRNA và thành phần vaccine sao cho phù hợp. Sau khi tiêm, vaccine sẽ huấn luyện hệ thống miễn dịch của người bệnh tấn công các khối u cụ thể, ngăn khối u phát triển và ngăn ung thư di căn - vốn thường là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tử vong.

“Trong các thử nghiệm tiền lâm sàng, vaccine đã chứng minh khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u và nguy cơ di căn”, ông Gintsburg nhấn mạnh. Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông Gintsburg cho biết, quá trình “cá nhân hóa” vaccine sẽ được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ dữ liệu từ khoảng 40.000 đến 50.000 khối u đã được thu thập, quy trình “cá nhân hóa” vaccine sẽ chỉ mất khoảng “từ 30 phút đến 1 giờ” thay vì cả tháng như ước tính ban đầu.

Chưa rõ chi tiết kết quả thử nghiệm của vaccine chống ung thư mRNA của Nga. Hãng tin RBC của Nga tháng 6/2024 trích dẫn kết quả thử nghiệm trên chuột có khối u ác tính cho thấy, vào ngày thứ 15 sau tiêm, thời điểm hệ miễn dịch bắt đầu được kích hoạt, kích thước khối u ở chuột được tiêm và không tiêm bắt đầu khác biệt. Những con không được tiêm chết trong khoảng thời gian 19-22 ngày; những con được tiêm vẫn sống sót. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko trả lời TASS trong một cuộc phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) cách đây vài tháng rằng, kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng sẽ được tổng hợp trong năm 2024.

Ông Murashko xác nhận việc phát triển vaccine ung thư được Chính phủ Nga tài trợ. Ngày 12/10, lãnh đạo Viện Gamaleya Gintsburg tiết lộ, các thử nghiệm tiền lâm sàng đã được tiến hành trên một số bệnh nhân, bao gồm người mắc ung thư phổi. Tuy nhiên, do đây là loại vaccine “cá nhân hóa” nên dường như các hoạt động thử nghiệm phải tiến hành theo một quy trình khác thông thường.

Bên cạnh vaccine mRNA, NMRRC cũng đang chế tạo một vaccine điều trị ung thư khác cùng Viện Sinh học phân tử Engelhardt. Mẫu này ít được chú ý hơn, có tên gọi EnteroMix, được mô tả là “vaccine tiêu ung thư”, được phát triển “dựa trên sự kết hợp của 4 loại virus không gây bệnh”, có khả năng tiêu diệt tế bào ác tính; đồng thời kích hoạt khả năng miễn dịch chống khối u của bệnh nhân. Vaccine EnteroMix đã được thử nghiệm tiền lâm sàng “trong vài năm qua” và quá trình thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm 2024, đầu 2025. Interfax ngày 17/12 dẫn lời lãnh đạo NMRRC Kaprin xác nhận các chuyên gia đang lựa chọn ứng viên tham gia thử nghiệm lâm sàng với EnteroMix.

mRNA thay đổi cuộc chiến chống ung thư

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cả ở Nga và trên toàn cầu. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy thế giới ghi nhận 20 triệu ca mắc ung thư mới trong năm 2022, tăng từ 18 triệu của năm 2020. Con số này được dự báo sẽ tăng 77% lên 35 triệu ca vào năm 2050, đặt ra nhiều vấn đề cho ngành y tế toàn cầu. Cũng trong năm 2022, khoảng 9,7 triệu người đã mất mạng vì ung thư. Các loại ung thư phổ biến nhất được ghi nhận là ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư dạ dày. Nhiều người có thể sống sót nhiều năm dù mắc ung thư, nhưng chất lượng sống và sức khỏe giảm sút, kiệt quệ về tinh thần và kinh tế.

Cùng với sự phát triển về công nghệ y tế nói chung, nỗ lực phát triển phương thuốc điều trị ung thư đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Kể từ khi mRNA trở nên an toàn hơn, giới chuyên gia coi việc ứng dụng công nghệ này là một hướng đi sáng trong việc chế tạo ra phương thuốc chống ung thư. Trên thế giới có một số phương pháp điều trị ung thư đang được sử dụng rộng rãi là hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, việc hóa trị, xạ trị sẽ ảnh hưởng đến cả tế bào bình thường và tế bào ung thư nên gây ra nhiều tác dụng phụ; còn vaccine mRNA được mô tả là sẽ giúp hệ miễn dịch nhận biết để chỉ tấn công tế bào bệnh, bỏ qua các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, hạn chế tác dụng phụ.
Theo Guardian, trước mẫu vaccine chống ung thư mRNA của Nga, đã có ít nhất 5 vaccine chống ung thư khác được công bố trên thế giới.

Hồi tháng 6/2024, Anh thông báo khởi động thử nghiệm lâm sàng với vaccine chống ung thư mRNA do BioNTech (Đức) phát triển. Một trong những bệnh nhân là Elliot Pfebve, một giảng viên 55 tuổi mắc ung thư trực tràng. Pfebve từng được phẫu thuật cắt bỏ khối u, sau đó hóa trị, nhưng các bác sĩ phát hiện vẫn còn các mảnh DNA ung thư trong máu, cho thấy bệnh có khả năng tái phát cao. Dựa trên nghiên cứu khối u bị cắt bỏ, các chuyên gia “cá nhân hóa” vaccine BioNTech theo tình trạng của Pfebve rồi tiêm cho ông.

“Dựa trên dữ liệu hạn chế mà chúng tôi hiện có về phản ứng trong cơ thể đối với vaccine, đây có thể là một bước tiến đáng kể và tích cực đối với bệnh nhân”, bác sĩ Victoria Kunene phụ trách cuộc thử nghiệm, nói. Giới chức y tế Anh đang lựa chọn hàng ngàn bệnh nhân ung thư để mở rộng thử nghiệm.

Vaccine chống ung thư mRNA mang hi vọng cho nhiều người bệnh. Ảnh: GettyImages.

Vaccine chống ung thư mRNA mang hi vọng cho nhiều người bệnh. Ảnh: GettyImages.

Ngoài vaccine trên, BioNTech còn một vaccine mRNA được thiết kế để điều trị ung thư phổi mang tên BNT116. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với BNT116 đã được triển khai từ tháng 8/2024 trên 130 người mắc ung thư phổi giai đoạn khác nhau ở 34 địa điểm tại 7 nước, gồm: Anh, Mỹ, Đức, Hungary, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng ta hiện đang bước vào kỷ nguyên mới rất thú vị của các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp miễn dịch dựa trên mRNA để nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư phổi”, giáo sư Siow Ming Lee, bác sĩ tư vấn ung thư tại Quỹ tín thác dịch vụ y tế quốc gia Anh (UCLH), đơn vị dẫn đầu thử nghiệm tại Anh, nhận định.
Tháng 5/2024, các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida (Mỹ) đã thử nghiệm một loại vaccine chống ung thư “cá nhân hóa” trên 4 bệnh nhân có u nguyên bào thần kinh đệm (ung thư não).

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, mũi tiêm này kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh chỉ 2 ngày sau khi tiêm. Ngoài ra, hãng dược Morderna mới đây thông báo họ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 với một liệu pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) kết hợp tiêm vaccine mRNA-4157 với thuốc trị ung thư Keytruda trên 680 tình nguyện viên toàn cầu, sau khi các giai đoạn thử nghiệm trước cho kết quả khả quan. The Economist tin rằng, cơ quan quản lý dược FDA của Mỹ có thể phê duyệt liệu pháp sử dụng mRNA-4157 ngay trong năm 2025.

Giới quan sát nhận định, nếu như cuộc chạy đua phát triển vaccine đã giúp thế giới nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19, việc các nước liên tiếp công bố những kết quả khả quan trong nỗ lực phát triển vaccine chống ung thư là chỉ dấu cho thấy một cuộc chạy đua mới về công nghệ y tế đã bắt đầu mà người hưởng lợi chính là hàng triệu bệnh nhân đang mắc ung thư trên toàn cầu. Janusz Racz, người ung thư phổi đầu tiên tiêm BNT116 ở Anh, cho biết việc tiêm vaccine nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với hóa trị.

“Vaccine COVID đã giúp ích cho hàng triệu người. Vaccine này cũng sẽ giúp ích cho hàng triệu người”, Racz nói, ông hi vọng có thể trở lại chinh phục cự ly chạy bộ marathon 42 km trong tương lai.

Nguyễn Viết

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/vaccine-chong-ung-thu-mrna-cuoc-chay-dua-toan-cau-moi-ve-cong-nghe-y-te-i754612/