Vaccine Covid-19 của AstraZeneca và IVAC khác nhau thế nào?

Theo các chuyên gia, hai loại vaccine Covid-19 có chung công nghệ sản xuất nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt.

Sáng 15/3, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), cho biết vaccine Covid-19 của AstraZeneca sử dụng vector virus mất khả năng sao chép. Nó được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus).

Một loại vaccine của Việt Nam cũng được sản xuất bằng công nghệ vector, tương tự hãng AstraZeneca, đó là COVIVAC. Vaccine này do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế nghiên cứu, sản xuất. Tuy nhiên, hai sản phẩm vẫn có sự khác biệt.

"Giá thể sử dụng của 2 loại vaccine này hoàn toàn khác nhau. Vaccine COVIVAC sử dụng vector virus Newcastle (NDV), gắn gene biểu hiện Protein S của SARS-CoV-2", ông Thái giải thích.

Ngoài ra, vaccine COVIVAC được sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi. Còn AstraZeneca sử dụng công nghệ nuôi cấy tế bào.

 Một nữ tình nguyên viên được kiểm tra trước khi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19. Ảnh: MT.

Một nữ tình nguyên viên được kiểm tra trước khi tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19. Ảnh: MT.

Ngày 15/3, 6 tình nguyên viên đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC tại Đại học Y Hà Nội.

Một nữ tình nguyện viên 46 tuổi cho biết các thành viên trong gia đình bà đều đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine. Tuy nhiên, chồng và con gái không đủ điều kiện tham gia. Sau tiêm, sức khỏe của người này ổn định.

"Đây là hoạt động cộng đồng và mang tính nhân văn. Dù hơi lo lắng trước buổi tiêm, chồng và con gái tôi đã động viên rất nhiều khiến tôi an tâm hơn", bà chia sẻ.

Trong cuộc họp trước buổi tiêm thử nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá đây là dấu mốc quan trọng của tiến trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng Covid-19 "made in Vietnam" do IVAC (đơn vị trực thuộc Bộ Y tế) thực hiện.

Theo ông Dương Hữu Thái, vaccine COVIVAC đã trải qua 7 tháng nghiên cứu và phát triển cùng đối tác trong, ngoài nước. Cuối năm 2020, sản phẩm này đã hoàn thành giai đoạn sản xuất, được kiểm nghiệm, chứng minh về chất lượng, tính an toàn và hiệu lực phòng bệnh Covid-19 trước khi thử nghiệm trên người.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt vào ngày 16/2, có hạn sử dụng kéo dài ít nhất 6 tháng khi được bảo quản lạnh ở 2-8 độ C.

Tài liệu hướng dẫn của Chính phủ Anh cho biết người tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca có thể gặp một số tác dụng phụ như đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng hoặc bầm tím tại vị trí tiêm; cảm thấy mệt mỏi; ớn lạnh hoặc sốt; đau đầu; buồn nôn; đau khớp, cơ…

Một số tác dụng phụ khác ít phổ biến hơn gồm chóng mặt, chán ăn, đau bụng, sưng hạch bạch huyết, đổ mồ hôi nhiều, ngứa da, phát ban… Ngoài ra, người được tiêm có thể bị dị ứng, sốc phản vệ.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vaccine-covid-19-cua-astrazeneca-va-ivac-khac-nhau-the-nao-post1193216.html