Vaccine Covid-19 cung ứng từ COVAX dự kiến đủ cho 20% dân số Việt Nam
Vaccine Covid-19 được cung ứng thông qua COVAX dự kiến sẽ cung cấp đủ cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam, theo Bộ Y tế ...
Bộ Y tế cho biết thông tin này tại lễ tiếp nhận chính thức 811.200 liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên từ COVAX Facility chiều 1/4.
Bộ Y tế đánh giá, đợt vaccine đầu tiên do COVAX Facility hỗ trợ đến Việt Nam là một tin tốt lành, tuy nhiên sẽ cần có thời gian để tiến hành tiêm chủng cho phần lớn dân số. Vì vậy, người dân vẫn cần tuân thủ hướng dẫn về sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách để giảm thiểu rủi ro lây lan virus.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc tiếp nhận vaccine, từ việc xác định các nhóm ưu tiên, tập huấn cho nhân viên y tế, thu xếp hệ thống vận chuyển phân phối vaccine đến các tỉnh và thông tin đầy đủ cho công chúng.
"Vaccine đến có nghĩa là nhiều nhân viên tuyến đầu và những người có nguy cơ cao có thể được tiêm vaccine và được bảo vệ. WHO sẽ tiếp tục làm việc cùng với các đối tác để đảm bảo vaccine đến được tới những người cần nhất", Tiến sĩ Kidong Park cho biết.
Theo Bộ Y tế, vaccine do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) mua và cung ứng thông qua COVAX Facility nhằm hỗ trợ triển khai Nghị quyết số 21 của Chính phủ, dự kiến sẽ cung cấp đủ vaccine phòng Covid-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam.
Bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, UNICEF đang dốc sức đóng góp trong nỗ lực cung cấp vaccine an toàn giúp cứu sống hàng triệu người.
"Chỉ khi vaccine phòng Covid-19 được triển khai đến toàn thể người dân ở khắp mọi miền Việt Nam, thì cuộc sống và nền kinh tế mới có thể trở lại bình thường, chúng ta mới có thể đảm bảo trẻ em không bị gián đoạn việc học tập, được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Đây thực sự là một thời điểm tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng chung tay hỗ trợ người dân Việt Nam", bà Rana Flower nhấn mạnh.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng cho biết, 811.200 liều vaccine được tiếp nhận trong ngày 1/4 là lô vaccine đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vaccine dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5.
Cùng với những lô vaccine tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vaccine cho 20% dân số đến cuối năm 2021. Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vaccine tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vaccine đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.
Tuy nhiên, việc thời hạn sử dụng của vaccine ngừa Covid-19 tính từ ngày sản xuất chỉ là 6 tháng cũng là một thách thức. Sau khi được chuyển đến các quốc gia, thời hạn sử dụng của vaccine sẽ không còn nhiều.
Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh, đây sẽ là một thách thức đối với Bộ Y tế các nước, đồng thời khuyến nghị cần xây dựng kế hoạch về đối tượng được tiêm vaccine, đảm bảo mỗi người dân được tiêm 2 mũi, cách nhau từ 2-3 tháng.
Cũng theo ông Kamal Malhotra, việc được tiêm vaccine không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan, nhất là khi vẫn chưa rõ về mức độ bảo vệ của vaccine trước căn bệnh, cũng như khả năng lây nhiễm và lan truyền bệnh.
Vaccine phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển và ủy quyền cho SK Bioscience tại Hàn Quốc sản xuất. Vaccine AstraZeneca đã được WHO cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp và đã được sử dụng tại Việt Nam.
Để có thể tiếp nhận vaccine thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam cần đáp ứng một số điều kiện, bao gồm xác nhận việc hoàn thành các quy định cấp phép quốc gia liên quan đến cung ứng vaccine, thỏa thuận bồi thường, xây dựng kế hoạch tiêm chủng quốc gia, cũng như các yếu tố hậu cần khác như giấy phép nhập khẩu vaccine.