Vaccine Covid-19 đang bị vũ khí hóa trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu
Nhiều quốc gia đang thúc đẩy 'ngoại giao vaccine' như một vũ khí để gia tăng lợi thế địa chính trị.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Anh đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Việc xuất khẩu máy thở và hóa chất diệt khuẩn cũng bị ngăn chặn trong bối cảnh các dịch vụ y tế quốc gia phải cạnh tranh tìm nguồn cung.
Thời gian gần đây, Italy cũng ngăn chặn việc xuất khẩu 250.000 liều vaccine của AstraZeneca từ nước này sang Australia. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động thể hiện “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, bị thúc đẩy bởi động cơ địa chính trị và sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Những hành động nói trên đã đi ngược với các chuẩn mực về thương mại quốc tế và nguyên tắc trao đổi về khoa học, xã hội, vốn mang lại lợi ích cho các quốc gia suốt nhiều thập kỷ qua trong một hệ thống toàn cầu có tính liên kết và phụ thuộc lẫn nhau.
Alex Capri, nhà nghiên cứu của Hinrich Foundation kiêm chuyên gia cao cấp và giảng viên Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, chủ nghĩa dân tộc vaccine có thể là tiền thân của ngoại giao vaccine – một chính sách thực dụng mà qua đó các quốc gia tận dụng khả năng điều chế và sản xuất vaccine của mình để đạt được lợi ích về địa chính trị.
Nhưng chính sách ngoại giao vaccine đang làm sáng tỏ một sự thật cơ bản hơn: Một cuộc chiến tranh Lạnh hỗn hợp đang diễn ra, với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Chiến tranh hỗn hợp là sự kết hợp các biện pháp chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, trong đó quân sự chỉ giữ vai trò thứ yếu. Dù các hành động đều nằm dưới ngưỡng xung đột vũ trang nhưng có nguy cơ gây rối loạn hoạt động của các hệ thống quốc tế.
Mặt trái của ngoại giao vaccine
Khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine Covid-19 (vaccine Sputnik V, với hiệu quả phòng bệnh được thông báo là đạt tới 92%), nhiều nhà ngoại giao của Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác đang làm việc tại Moscow đã từ chối lời kêu gọi tiêm phòng miễn phí của chính phủ Nga, dù họ chưa được tiếp cận với một loại vaccine thay thế khác ở thời điểm đó. Tất cả xuất phát từ tâm lý lo ngại trở thành người tiếp tay cho chiến dịch tuyên truyền của Nga.
Trung Quốc thời gian gần đây quyết định nới lỏng hạn chế đi lại đối với du khách quốc tế với điều kiện họ phải chứng minh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 do các công ty của Trung Quốc như Sinovac hay Sinopharm sản xuất. Mặc dù những loại vaccine này đều thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối để chứng minh hiệu quả thực tế trong phòng chống dịch bệnh.
Chưa hết, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh việc chào mời cung cấp vaccine Covid-19 cho những nước nhỏ hơn với hy vọng nhận được sự nhượng bộ về mặt ngoại giao. Vào tháng 3 vừa qua, khi số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ mong muốn Trung Quốc ưu tiên cho nước này tiếp cận vaccine Covid-19 trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã cung cấp các lô hàng vaccine cho Manila, nhưng lại gia tăng thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông, với việc điều động hơn 200 tàu tập kết tại Đá Ba Đầu [thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa,thuộc chủ quyền của Việt Nam – ND] . Động thái này đã bị Philippines, Mỹ và các đồng minh lên án mạnh mẽ.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của nhóm Bộ Tứ vào tháng 3 vừa qua, Mỹ cùng 3 nước thành viên là Ấn Độ, Nhật Bản, Australia đã cam kết phân phối 1 tỉ liều vaccine ngừa Covid -19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước cuối năm 2022, trong một nỗ lực nhằm đối phó với chính sách "ngoại giao vaccine" của Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia tích cực thúc đẩy chiến dịch ngoại giao vaccine. Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, với gần 1,5 tỷ liều vaccine mỗi năm. Vào tháng 1/2021, Ấn Độ đã khởi động sáng kiến “Vaccine Hữu nghị” nhằm cung cấp vaccine miễn phí cho các nước đang phát triển trên thế giới. Đây được coi là một thách thức trực tiếp đối với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.
Ấn Độ, quốc gia luôn coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược, đã và đang tìm cách tận dụng quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa nước này với Washington để chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Với tiềm năng sản xuất vaccine to lớn và việc tích cực triển khai sáng kiến “Made-in-India” để thu hút các chuỗi cung ứng chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, sự hỗ trợ của Washington được kỳ vọng sẽ mang lại cho New Dehli một cơ hội lịch sử.
Vũ khí tăng đòn bẩy về kinh tế, thương mại
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ và nhiều nước châu Âu, khiến những quốc gia này vắng mặt trên sân khấu quốc tế. Khi các chính phủ phương Tây đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh, nhiều nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để chỉ ra những khuyết điểm của các chương trình vaccine và tiêm chủng ở phương Tây.
Vào tháng 1 vừa qua, truyền thông Trung Quốc đăng tải những bài viết chỉ trích vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer phối hợp với công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech phát triển, đồng thời "chào hàng" vaccine Trung Quốc an toàn và dễ tiếp cận hơn.
Bắc Kinh tuyên bố sẽ cung cấp vaccine của Sinopharm và Sinovac cho hơn 60 quốc gia, trong đó có các nước láng giềng cũng như các quốc gia chiến lược quan trọng ở châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông. Vaccine của Trung Quốc cũng sớm thâm nhập vào các nước Mỹ Latin và Caribe, Đông và Trung Âu.
Các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất dự kiến sẽ được phân phối dưới hình thức “quyên góp hạn chế” hoặc “hàng mẫu” để tạo điều kiện cho các giao dịch mua bán với số lượng lớn hơn trong tương lai. Trong một số trường hợp, vaccine sẽ được cung cấp với sự đảm bảo tín dụng từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc – một hình thức quen thuộc từng được sử dụng để Bắc Kinh tích hợp công nghệ viễn thông và đầu tư cơ sở hạ tầng tại những quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành Đai-Con Đường. Vòng tròn kinh tế - ngoại giao - công nghệ ngày càng hiển hiện rõ nét hơn khi vaccine của Trung Quốc được liên kết với các dịch vụ và sản phẩm thiết yếu do các công ty của nước này cung cấp.
Mỹ và các đồng minh cũng đang để mắt đến cuộc đua ngoại giao vaccine. Báo cáo từ chiến dịch phi lợi nhuận ONE Campaign cho biết, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đang tích trữ số vaccine ngừa Covid-19 nhiều hơn 1 tỷ liều so với nhu cầu thực tế. Số lượng vaccine thừa dự kiến sẽ được cho tặng các nước khác trên thế giới, dưới hình thức ngoại giao vaccine.
Gia tăng vấn đề an ninh mạng
Chủ nghĩa dân tộc vaccine cũng được cho là làm gia tăng các vấn đề an ninh mạng – một trong những yếu tố chính của chiến tranh hỗn hợp. Trên mặt trận thông tin, Nga bị cáo buộc liên quan đến chiến dịch tấn công mạng với mục đích làm sai lệch dữ liệu vaccine để làm suy yếu niềm tin vào các loại vaccine do Mỹ và nhiều nước châu Âu sản xuất.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số vụ tấn công mạng và đánh cắp dữ liệu của các công ty dược phẩm, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ gia tăng. Trong thời gian đầu của đại dịch, vào năm 2020, công ty Pfizer và đối tác BioNTech cho biết, các tài liệu nhạy cảm của họ đã bị xâm nhập trong một cuộc tấn công vào hệ thống mạng của Cơ quan Dược phẩm châu Âu.
Nhà nghiên cứu Alex Capri cho rằng, chiến tranh hỗn hợp tạo ra mâu thuẫn giữa các chính phủ, các thị trường và các tổ chức phi nhà nước. Mâu thuẫn nhiều khả năng sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực sản xuất vaccine và kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, do đó, các bên liên quan cần phải cần phải học cách bước qua thử thách này.
Theo ông Alex Capri, trong khi một số quốc gia theo đuổi chính sách ngoại giao vaccine để đạt được lợi ích về địa chính trị, các cộng đồng khoa học, y tế ở một mức độ nào đó vẫn nằm ngoài cuộc chơi. Điều này đã được thể hiện trong giai đoạn đầu sản xuất vaccine, khi mà các nhà khoa học, các chuyên gia y tế và nhiều bên liên quan tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu và hợp tác sử dụng các phần mềm giải trình tự bộ gen virus SARS-CoV-2 để khống chế dịch bệnh./.