Vaccine đóng vai trò tiên quyết trong chăn nuôi an toàn sinh học

Hiện nay chăn nuôi Việt Nam đang bùng nổ cả về quy mô và số lượng. Phòng ngừa dịch bệnh thông qua vaccine không chỉ giúp giảm thiệt hại về kinh tế mà còn góp phần quan trọng ngăn ngừa nguy cơ kháng kháng sinh - một vấn đề cấp bách của ngành y tế và thú y toàn cầu.

Tiêm vaccine cho động vật đầy đủ không chỉ giảm áp lực lao động mà còn giúp bảo vệ động vật một cách sớm nhất và giám sát kỹ càng hơn

Tiêm vaccine cho động vật đầy đủ không chỉ giảm áp lực lao động mà còn giúp bảo vệ động vật một cách sớm nhất và giám sát kỹ càng hơn

Vaccine thú y đảm bảo bền vững cho chăn nuôi

Hưng Yên là địa phương đầu tiên phát hiện dịch tả lợn Châu Phi, trong quá trình phòng, chống dịch, tỉnh đã kết hợp nhiều biện pháp để dập dịch. Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết hiện tỉnh áp dụng 8 loại vaccine phòng, chống dịch, chia làm 2 giai đoạn trong năm, trên tổng thời gian 6 tháng.

Sở NN&PTNT cũng cho biết, ngoài dịch tả lợn Châu Phi, các bệnh khác như tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm,… Hưng Yên đều kiểm soát và phòng, chống hiệu quả. Kể cả những ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện thời gian gần đây, địa phương cũng kịp thời phát hiện để ngăn ngừa, dập ổ dịch. Cơ bản hiệu quả này đến từ việc dùng vaccine phù hợp, kịp thời.

Không chỉ riêng các địa phương như Hưng Yên luôn phải sát sao với việc tiêm vaccine cho đoàn vật nuôi, những tập đoàn chăn nuôi lớn cũng đang rất chú trọng công tác này.

Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dabaco Việt Nam – một trong những tập đoàn về chăn nuôi lớn nhất Việt Nam cũng nhìn nhận, trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp tối ưu, quan trọng nhất. Đặc biệt, vaccine đóng vai trò quan trọng nhất với chăn nuôi an toàn sinh học. Nếu làm tốt công tác này thì người chăn nuôi có lợi về mọi mặt (bảo vệ đàn vật nuôi, giảm chi phí, công lao động, đảm bảo lợi nhuận…).

Ông Học cho biết, trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh thuốc, vaccine thú y. Đặc biệt, sẽ hoàn tất những khâu cuối cùng để có thể công bố lưu hành thương mại vaccine dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian gần nhất.

Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, chia sẻ, hiện nay Hiệp hội chủ yếu sử dụng các vaccine thế hệ mới của các công ty hàng đầu như Hanvet, Fivevet,…

Ông Quyết chia sẻ: "Khi sử dụng các loại vaccine thế hệ mới, chúng tôi sẽ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm ngay tại nhà máy mà không cần phải tiêm lại tại trang trại. Phương pháp này không chỉ giảm áp lực lao động mà còn giúp bảo vệ động vật một cách sớm nhất và giám sát kỹ càng hơn. Đồng thời, tiêm vaccine trực tiếp tại nhà máy cũng hạn chế việc thải virus ra môi trường, từ đó không gây ảnh hưởng xấu đến tình hình dịch tễ trong khu vực. Các trang trại trong khu vực chúng tôi quản lý đã áp dụng phương pháp này và đã thấy được hiệu quả rõ rệt, giúp giá thành giảm đáng kể và năng suất được cải thiện".

Thực tế cả nước cho thấy vaccine thú y đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, muốn phòng bệnh tốt thì vaccine phải tốt. Vaccine tốt thì giá thành lại cao. Điều này đang là một khó khăn cần phải nghiên cứu tháo gỡ để đưa nhanh những vaccine chất lượng vào sản xuất.

Vaccine nội địa ngày một nâng cao chất lượng

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y đánh giá, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn là một thách thức và với việc phổ biến và mở rộng đối tượng tiêm vaccine. "Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ nhất với thực tiễn Việt Nam", ông Minh chia sẻ.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, việc tiêm phòng không những giúp chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn hỗ trợ cho chăn nuôi tập trung, bởi các trang trại lớn vẫn được bố trí xen kẽ với khu vực nhỏ lẻ. Ngoài việc chú ý đến những dịch bệnh mới nổi, ông Minh lưu ý những bệnh "tái nổi", chẳng hạn như nhiệt thán, hoặc chuyển từ độc lực thấp sang độc lực cao, hoặc kết hợp nhiều mầm bệnh với nhau.

Hiện, Việt Nam có hơn 500 loại vaccine, với khoảng hơn 200 loại do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Theo lãnh đạo Cục Thú y, việc sử dụng vaccine nội hay ngoại do nhiều yếu tố, có thể do lịch sử để lại, thói quen, tâm lý người tiêu dùng, giá cả, hoặc công tác truyền thông.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng vaccine theo chuỗi, cùng với con giống, các loại thuốc thú y và nhiều công nghệ khác. Do vậy, việc thâm nhập vaccine vào nhóm đối tượng này gặp nhiều cạnh tranh.

"Chúng ta cần không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp thị và cải thiện giá cả của vaccine nội, làm sao để đảo ngược tỷ lệ 30-70 như bây giờ", ông Minh bày tỏ.

TS Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam, đánh giá, công nghệ sản xuất thuốc thú y không những phát triển nhanh mà còn tiến bộ vượt bậc. Trong đó, có những công nghệ hàng đầu để sản xuất vaccine tai xanh, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn Châu Phi,… Những loại vaccine này, trước đây, đa số đều phải nhập khẩu.

Bà Hương chia sẻ, để có được một nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn GMP-WHO cần nguồn vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, là đội ngũ nhân viên có trình độ, được đào tạo lâu năm. Việc tăng thị phần cho vaccine nội còn giúp người chăn nuôi nông hộ có thêm "lá chắn" cho chăn nuôi, nhất là khi một số bệnh trên đàn vật nuôi mới được tiêm vaccine khoảng 5%.

Theo bà Hương, một trong những điểm nghẽn là do tâm lý "sính ngoại" khi sử dụng vaccine. Do đó, đại diện Hội Khoa học kỹ thuật thú y cho rằng, bên cạnh nâng cao chất lượng vaccine của doanh nghiệp trong nước, còn có trách nhiệm tuyên truyền, thông tin của cơ quan báo chí, các viện, trường đào tạo chuyên ngành.

"Càng nhiều người biết đến vaccine nội, biết tới khả năng của vaccine nội càng tốt", bà tâm niệm và nhấn mạnh thêm, rằng chất lượng tạo nên thương hiệu. Khi vaccine nội đã đảm bảo chất lượng thì doanh nghiệp sản xuất rất cần sự ủng hộ của Cục Thú y, người sản xuất để cả ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/vaccine-dong-vai-tro-tien-quyet-trong-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-102241230185454942.htm