Vaccine ngừa Covid-19 có là liều thuốc tiên?
Giới khoa học cảnh báo vaccine chưa phải là 'liều thuốc tiên' và dịch Covid-19 sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng nhiều người nếu lơ là thực hiện những biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước, nhất là ở Mỹ và châu Âu tăng mạnh, việc hãng dược Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức, công bố kết quả sơ bộ vaccine BNT162b2 hiệu quả bảo vệ lên tới 90%, được đánh giá là bước đột phá trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Thông tin này tạo niềm hy vọng cho cả thế giới nhưng, giới khoa học cảnh báo vaccine chưa phải là "liều thuốc tiên" và dịch Covid-19 sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng nhiều người nếu lơ là thực hiện những biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt.
Kết quả nghiên cứu vaccine mà hãng Pfizer/BioNTech công bố đã vượt kỳ vọng của công chúng và cả ngưỡng an toàn 50% mà Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đặt ra đối với một vaccine mới. Theo các dữ liệu sơ bộ, vaccine BNT162b2 được điều chế trên công nghệ RNA, hiệu quả 90% và không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các chuyên gia hoan nghênh các dữ liệu thành công ban đầu này, có đó là “ánh sáng cuối đường hầm” nhưng thận trọng cho rằng, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ.
Tiến sỹ William Schaffner, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Đại học Vanderbilt ở Tennessee (Mỹ) cho biết: “Dù sao, hiện vẫn còn quá sớm để có trong tay vắcxin. Chúng tôi vẫn chưa biết liệu loại vắcxin đó có phát huy tác dụng ở người già hay không. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu đã có đủ dữ liệu để khẳng định phụ nữ mang thai sử dụng có an toàn hay không vì chưa được thử nghiệm, còn nghiên cứu ở trẻ em mới chỉ đang bắt đầu. Vẫn còn chặng đường dài, đây mới chỉ là bước đi đầu”.
Các chuyên gia y tế cho rằng kết quả nghiên cứu của Hãng Pfizer là thông tin tích cực cho toàn bộ vaccine phòng Covid-19 đang được thử nghiệm. Nhưng thực tế đặt ra là vắcxin của Hãng Pfizer còn phải chờ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép, chưa thể sản xuất đại trà ngay trong năm nay.
Phó Giám đốc Cơ quan Y tế Anh Jonathan Van-Tam tuyên bố vaccine sẽ không tạo được sự khác biệt ngay lập tức đối với làn sóng lây nhiễm hiện nay, mà chỉ có thể ứng phó với các làn sóng lây nhiễm trong tương lai.
Cùng chung nhận định, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: “Bất kể vaccine sắp có trên thị trường hay là chưa, chúng ta cần phải tiếp tục làm mọi điều có thể ngay lúc này để hạ tỷ lê lây nhiễm và đó là lý do chúng tôi tin tưởng xét nghiệm trên diện rộng sẽ giúp ích lớn cho công tác chống dịch. Xét nghiệm diện rộng và tiến bộ trong điều chế vắcxin đều mũi tiên quan trọng trong vũ khí chống dịch của chúng ta và đều là phần then chốt của cuộc chiến chống Covid-19. Hiện tại không có gì thay thế cho các biện pháp như giãn cách xã hội, vệ sinh tay và các biện pháp hạn chế khác”.
Tuy nhiên, thông tin tích cực về vaccine đang thúc đẩy nhiều nước “đón đầu” ký hợp đồng mua vaccine. Chính phủ Anh đã ký 6 hợp đồng về cung ứng các loại vaccine triển vọng. Trong đó có vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và 1 loại do trường đại học Oxford phối hợp bào chế cùng hãng AstraZeneca.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ hi vọng Ủy ban châu Âu sẽ ký thỏa thuận mua vaccine với Hãng BioNTech và đối tác Pfizer trong những ngày sắp tới và tin tưởng vaccine đầy triển vọng này sẽ có mặt trên thị trường trong quý 1 năm 2021. Hiện Ủy ban châu Âu đang đàm phán giai đoạn cuối cùng với Hãng BioNTech-Pfizer để mua 200 triệu liều vaccine và có phương án mua thêm 100 triệu liều. Trong đó Đức dự kiến sẽ có 100 triệu liều.
Nếu được cấp phép, các công ty ước tính họ có thể sản xuất tới 50 triệu liều trong năm nay, đủ để bảo vệ 25 triệu người và sau đó tăng sản xuất lên 1,3 tỷ liều trong năm 2021.
Hiện trên thế giới đã có 51,3 triệu ca mắc và 1,27 triệu ca tử vong do Covid-19. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, dân số thế giới khoảng 7,7 tỷ người nhưng số ca mắc trên toàn cầu đã vượt mốc 50 triệu, tức là cứ 154 người có 1 người bị mắc Covid-19. Các chuyên gia nhận định, kể cả trường hợp có vaccine cũng phải mất nhiều tháng để đưa thế giới trở lại tình trạng “gần như bình thường” và trước mắt vẫn cần tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, nhất là vào dịp Lễ Tạ ơn sắp tới tại các nước châu Âu và Mỹ./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vaccine-ngua-covid-19-co-la-lieu-thuoc-tien-816738.vov