Vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong phòng chống dịch sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến khó lường và mở rộng phạm vi lưu hành bệnh, gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế. Đặc biệt, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và biến đổi khí hậu càng làm gia tăng thách thức trong công tác phòng, chống bệnh.
Khoảng trống trong phòng chống dịch
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, TP ghi nhận 585 ca mắc SXH (tăng 89 trường hợp so với tuần trước đó). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP có 7.824 ca mắc SXH.
Về ổ dịch, trong tuần ghi nhận 33 ổ dịch SXH tại 12 quận, huyện. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận 434 ổ dịch SXH. Hiện còn 45 ổ dịch đang hoạt động.
Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, SXH đã quay trở lại và là một trong những dịch bệnh đang được quan tâm trong công tác phòng chống dịch. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận trên 114.900 ca SXH, trong đó có 18 ca tử vong.
Tại tọa đàm "Phòng tránh SXH - Những giải pháp nào hiệu quả?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh, bệnh SXH không đơn giản để kiểm soát.
Hiện nay, công tác phòng tránh SXH đang còn những khoảng trống.
Trước khi có vaccine, nước ta thực hiện các phương pháp truyền thống như tiêu diệt véc–tơ trung gian truyền bệnh. Tuy là phương pháp hiệu quả nhất, nhưng vẫn rất khó có thể tiêu duyệt hoàn toàn véc–tơ.
TS Hoàng Minh Đức lý giải, trước đây, bọ gậy, muỗi chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó lan ra các vùng đô thị khác, có 11 tỉnh miền núi phía Bắc chưa ghi nhận ca SXH. Tuy nhiên, đến nay, muỗi vằn SXH đã di chuyển theo hệ thống giao thông, đô thị hóa của các tỉnh. Vì vậy, SXH cũng đã ghi nhận ca mắc tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những năm gần đây, dịch SXH gần như quay trở lại ở nhiều địa phương. “Tại Hà Nội, năm ngoái ghi nhận hơn 40.000 ca mắc, chưa bao giờ Hà Nội có ca mắc SXH lớn như thế. Năm nay, đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận hơn 7.000 ca mắc” - TS Hoàng Minh Đức dẫn chứng.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 200.000 ca mắc SXH, tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn.
Tiêm vaccine và kiểm soát véc–tơ
Hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. SXH gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra rất khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Vũ Sinh Nam - cố vấn cao cấp về SXH, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, trước đây, chu kỳ từ 10 - 12 năm mới có một vụ dịch lớn. Nhưng gần đây từ năm 2019-2023, nước ta đã có 2 vụ dịch lớn là năm 2019 với hơn 300.000 và năm 2022 là 370.000 ca mắc, 150 ca tử vong.
Theo GS.TS Vũ Sinh Nam, SXH do muỗi truyền và phòng, chống véc-tơ hiện nay rất khó khăn. Do đó, nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì không thể diệt được véc - tơ truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị kiểm soát véc–tơ một cách toàn diện vẫn là yếu tố quan trọng trong chiến lược phòng, chống SXH.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, vaccine vẫn là vũ khí hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, trong 58 bệnh truyền nhiễm, có hơn 40 bệnh đã có vaccine. Vaccine SXH vừa được nước ta cấp phép vào tháng 5/2024. Hiện vaccine này đang được đưa vào chương trình tiêm dịch vụ, người dân tự trả tiền.
Có thể thấy, vaccine rất hiệu quả và giải quyết được bài toán về công tác phòng chống dịch SXH ở Việt Nam. Nếu tiêm vaccine phòng bệnh, tỷ lệ không nhiễm SXH là 85% và khi bị nhiễm thì hơn 90% không có triệu chứng nặng phải nhập viện.
Tuy vaccine mang lại hy vọng nhưng GS.TS Vũ Sinh Nam nhấn mạnh, vaccine không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp truyền thống. Nếu chỉ sử dụng vaccine mà không kiểm soát véc–tơ, nguy cơ lây lan bệnh vẫn còn rất cao.
WHO cũng khẳng định, song song với việc tiêm vaccine, các biện pháp tiêu diệt véc–tơ như diệt loăng quăng, bọ gậy, và muỗi là rất cần thiết. Do đó, cơ quan chức năng cần giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc loại bỏ các dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng và muỗi tại hộ gia đình. Đây là cách phòng, chống dịch bền vững và hiệu quả nhất.
Vaccine là công cụ bổ trợ quý giá cho những nỗ lực phòng ngừa hiện có. Vaccine có thể giúp giảm số ca bệnh SXH nặng và tỷ lệ nhập viện, đặc biệt là ở các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em và người cao tuổi.