'Vaccine ý thức' và an toàn lễ Tết mùa dịch
Đành rằng chúng ta phải thay đổi quan điểm để thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch Covid-19, thế nhưng dù có thay đổi như thế nào thì ý thức vẫn là điều quan trọng nhất. Hơn lúc nào hết 'vaccine ý thức' cần được tăng liều cao.
Liên tiếp những ngày gần đây, Hà Nội là địa phương có số ca mắc mới Covid-19 đứng đầu cả nước với gần 2.000 ca mỗi ngày. Tính đến nay đã có 8 quận và 67 xã, phường ở Hà Nội đang ở cấp độ 3 - mức nguy cơ cao trong phòng chống dịch.
Trong bối cảnh thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo nghị quyết 128-NQ/CP, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đa số người dân cũng nâng cao ý thức phòng bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những ghi nhận tích cực, vẫn còn có những hành vi thiếu ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao.
Đơn cử, đêm Noel (24/12) vừa qua, dù UBND TP Hà Nội đã có văn bản hạn chế xe cộ và lập 10 chốt cấm đường xung quanh khu vực Nhà Thờ Lớn Hà Nội và dù trước đó vào lúc 18h ngành y tế công bố trong ngày 24/12, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số mắc Covid-19 với 1.834 ca, nhưng tại nhiều con phố Hà Nội đều ở tình trạng đông đúc. Tại khu vực trước cửa Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay phố Hàng Mã… nhiều người đổ về chụp ảnh “check-in” và sẵn sàng bỏ khẩu trang, “quên” luôn cả nguyên tắc phòng dịch 5K như "chưa hề có dịch". Lời giải thích được nhiều người đưa ra là “phải thích ứng với dịch bệnh”.
Không kể dịp lễ, các vi phạm vẫn diễn ra những ngày thường như quán karaoke lén lút mở cửa cho khách vào hát, nhiều quán ăn còn chưa thực hiện đúng quy định giãn cách. Theo thống kê, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã xử phạt 96 vụ, với số tiền hơn 207 triệu đồng.
Hành vi vi phạm phổ biến như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch…
Để những sự việc đáng tiếc này xảy ra, theo nhà báo, luật sư Phạm Ngọc Thủy, lỗi trước hết thuộc về các cá nhân, nhưng tất nhiên không chỉ từ một phía. Và nếu cứ tiếp tục lơ là, chủ quan, hệ lụy sẽ khôn lường nhất là khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán đã cận kề.
"Để thực hiện nghị quyết 128 một cách hiệu quả và theo đúng tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, chúng ta cần phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo kế mưu sinh. Không hoang mang nhưng phải nâng cao ý thức cảnh giác, không lơ là chủ quan với dịch bệnh. Tại các địa điểm sau khi đã có những quy định không tụ tập đông người thì cần phải có các lực lượng chức năng để giám sát, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm”, luật sư Phạm Ngọc Thủy phân tích.
Nhà báo Phạm Ngọc Thủy cũng cho rằng, về phía chính quyền phải bằng mọi cách thực hiện tiêm xong mũi thứ 2 và tiêm ngay mũi thứ 3 đối với những người đã có đủ thời gian. Bên cạnh đó phải trang bị cho hệ thống tuyến y tế cơ sở đầy đủ vật chất, chuẩn bị con người làm công tác y tế phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc cho y tế cơ sở cung cấp cho những người F0 điều trị tại nhà. Còn đối với người dân phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ, phải thực nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở mọi nơi công cộng.
“Đặc biệt, đã đến lúc chúng ta phải tăng liều “vaccine ý thức” trong cộng đồng. Việc đầu tiên là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai là phải có những chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức nặng răn đe”, ông Thủy bày tỏ.
Đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của chúng ta. Những nỗ lực phòng tránh dịch bệnh vẫn phải được tiếp tục bởi những mối nguy cơ vẫn còn hiện hữu, số người nhiễm trên toàn thế giới vẫn còn cao, virus thì liên tục biến đổi…Đành rằng chúng ta phải thay đổi quan điểm về đại dịch này, phải học cách sống chung với dịch, thế nhưng dù có thay đổi như thế nào thì ý thức vẫn là điều quan trọng nhất.
Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19 nói riêng và công cuộc xây dựng trật tự xã hội nói chung, không ai đượ đứng ngoài cuộc mà hơn lúc nào hết giờ chính là thời điểm mà cùng với các biện pháp của cơ quan chức năng, mỗi cá nhân cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng để tránh những hậu họa khôn lường từ hành vi thiếu ý thức./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vaccine-y-thuc-va-an-toan-le-tet-mua-dich-post915299.vov