Vạch mặt kẻ làm xăng dỏm, thu lợi bất chính 8.000 đồng/lít
Buôn lậu xăng dầu, sản xuất xăng dầu giả, kém chất lượng cần phải xử lý tận gốc, nếu không sẽ có thêm nhiều vụ khác xảy ra.
Sau đường dây sản xuất, buôn bán xăng giả do Trịnh Sướng cầm đầu bị lực lượng chức năng triệt phá năm 2019 thì vừa qua, thêm hàng loạt vụ án kinh doanh xăng dầu lậu, sản xuất xăng dầu giả, kém chất lượng bị phanh phui. Điển hình là vụ Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá vụ án sản xuất xăng giả cực lớn. Nhóm làm xăng giả này khai từ tháng 8-2020 đến nay đã cung cấp ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng.
Nhiều ý kiến đặt vấn đề vì sao tình trạng xăng dầu giả, kém chất lượng có thể lộng hành với quy mô lớn như vậy, kẽ hở nằm ở đâu và ai phải chịu trách nhiệm.
Bị mờ mắt vì lợi nhuận quá khủng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một công ty kinh doanh lâu năm trong lĩnh vực xăng dầu phân tích: Thông thường, các đối tượng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả nhập lậu xăng A83, mặt hàng đã bị Nhà nước cấm nhập. Sau đó những kẻ làm ăn bất chính sử dụng các loại dung môi, hóa chất để kích chỉ số octan lên thành xăng A95 rồi bán ra ngoài thị trường kiếm lời.
“Giá thành các loại xăng này chênh nhau rất nhiều, tạo ra sức hút lợi nhuận dẫn đến việc sản xuất xăng dầu kém chất lượng từ xăng A83” - vị đại diện công ty này nói. Đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho biết thêm, để tạo ra xăng A95 giả, bọn tội phạm thường pha dung môi với xăng A95 thật và chất tạo màu vàng rồi tung ra thị trường bán.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ Tài chính, cũng cho biết thuế và phí của 1 lít xăng chiếm đến 50% giá thành xăng dầu. “Do đó nếu buôn lậu, các đối tượng đã lãi tương ứng 50% chi phí này. Nếu làm giả, các đối tượng lãi thêm 15%-20%” - ông Long nói.
Như vậy trung bình 1 lít xăng lậu, xăng giả, kém chất lượng, các đối tượng làm ăn bất chính thu lời khoảng 8.000 đồng từ việc không phải chịu các loại thuế, phí. Mặt khác, bình thường khi mua xăng của một công ty đầu mối lớn, do phải nộp thuế nên chỉ được chiết khấu khoảng 1.000-1.500 đồng/lít là cao. Nhưng với xăng dầu lậu, kém chất lượng, các đối tượng sẵn sàng chiết khấu ở mức cao 2.000-2.500 đồng/lít và sau khi chiết khấu, các đối tượng này vẫn thu lời từ 6.000 đồng/lít.
Chính vì mức lợi nhuận khủng khiếp nên các đối tượng làm xăng giả, kém chất lượng bất chấp quy định của pháp luật, sẵn sàng lao vào như con thiêu thân. Thậm chí, để qua mắt được lực lượng chức năng, họ nghĩ ra nhiều thủ đoạn, chiêu trò đối phó rất tinh vi.
Phát hiện nhiều công ty vi phạm
Đại diện Bộ Công Thương cho biết vào cuối năm 2020, bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thành lập đoàn kiểm tra, giám sát và hậu kiểm đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Kết quả kiểm tra ban đầu phát hiện có 4-5 doanh nghiệp không đủ điều kiện, có hành vi vi phạm pháp luật; hệ thống phân phối không đảm bảo như hồ sơ ban đầu được cấp phép mà không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước.
Phải giám sát chặt cả cửa hàng bán xăng
Trong khi các đối tượng làm ăn bất chính thu lời khủng thì tình trạng xăng giả, kém chất lượng tung hoành khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề. Ví dụ nếu khách hàng mua nhầm xăng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ xe như gây hư hỏng, khó khởi động, chết máy đột ngột, rò rỉ xăng, thậm chí cháy nổ...
Nhiều người thắc mắc các đối tượng tuồn xăng giả ra thị trường, gây hại cho người tiêu dùng bằng cách nào? Họ hợp thức hóa xăng giả thành xăng thật bằng cách nào để qua mắt lực lượng chức năng, qua mắt người tiêu dùng?... Bởi các vụ án bị phát hiện vừa qua như đường dây xăng giả khủng ở Đồng Nai cho thấy mức độ liên quan rộng tới nhiều tỉnh, TP với nhiều công ty xăng dầu khác nhau, trong đó có cả những công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhập khẩu xăng dầu lớn. Trong đó có cả Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm là một trong 40 công ty đầu mối kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu của cả nước.
Lãnh đạo một công ty kinh doanh xăng dầu khẳng định rằng xăng dầu giả, lậu, kém chất lượng không thể tiêu thụ được nếu không có hệ thống cửa hàng bán lẻ, không có chuỗi phân phối để tiêu thụ. Bởi theo quy định tại Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, một trong các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu là công ty đó phải có hệ thống phân phối xăng dầu với tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của doanh nghiệp…
Đáng lưu ý, cũng theo quy định của Nghị định 83/2014, các tổng đại lý, đại lý bán lẻ, nhượng quyền chỉ được nhận hàng từ một nguồn nhưng thương nhân phân phối lại được nhận hàng từ nhiều nguồn và bán xuống các đại lý, cửa hàng của mình.
“Việc quy định thương nhân phân phối được phép lấy từ nhiều nguồn để bán xuống nhiều đại lý bán lẻ là một trong những kẽ hở để hợp thức hóa xăng dầu lậu, giả. Điều này cũng đã tạo ra kẽ hở để hợp thức hóa hóa đơn chứng từ, giúp thương nhân tiêu thụ lượng lớn xăng dầu giả trong hệ thống của mình” - vị lãnh đạo doanh nghiệp trên phân tích.
Cần xử lý tận gốc
Quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng để xăng dầu lậu, xăng dầu giả hoạt động lộng hành như thời gian qua một mặt do các đối tượng buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả có thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi. Mặt khác, có những cấp quản lý nhà nước trên địa bàn đó buông lỏng quản lý.
Ông Bảo cũng đánh giá lâu nay Nhà nước ta tập trung quản lý, kiểm soát đầu vào (những nơi nhập khẩu xăng dầu, sản xuất bán ra) trong khi kiểm soát đầu ra chưa chặt chẽ.
“Có nhiều cơ quan quản lý đầu ra như quản lý thị trường, cơ quan đo lường chất lượng… nhưng với 16.000 cửa hàng mà không áp dụng các biện pháp công nghệ thì rõ ràng khó kiểm soát được tốt nhất” - ông nói.
Đồng quan điểm, một số ý kiến khác cho rằng muốn quản lý tốt xăng dầu cần để một đơn vị quản, tức quy về một mối và chịu trách nhiệm chứ không thể kéo dài tình trạng cha chung không ai khóc như hiện nay. Đặc biệt phải mạnh tay với hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả như trong vụ đại án xăng giả ở Đồng Nai.
“Tôi cho rằng bên cạnh xử lý nghiêm những đối tượng tham gia kinh doanh xăng dầu lậu, giả để răn đe, cần quản lý chặt chẽ đầu ra của xăng dầu nhất là các cửa hàng, đại lý. Ví dụ cần có quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng tất cả bể chứa xăng dầu; kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan chức năng để giám sát” - đại diện một công ty xăng dầu đề xuất.
Sửa quy định sẽ chặn được xăng kém chất lượng?
Trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu trong việc để xảy ra tình trạng xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng với quy mô lớn? Trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo thường kỳ mới đây, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết: Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý. Trong đó Bộ Công Thương có vai trò liên quan trực tiếp đến Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
“Thời gian qua việc kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83 của các thương nhân kinh doanh xăng dầu về cơ bản được thi hành tốt. Tuy nhiên, vẫn có một số thương nhân có dấu hiệu vi phạm quy định của Nghị định 83 như không đáp ứng được điều kiện kinh doanh hoặc vi phạm các quy định thuộc chức năng quản lý của bộ, ngành khác như chất lượng xăng dầu, pha chế xăng dầu” - ông Đông cho biết.
Liên quan đến hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ sở pháp lý trong thời gian tới, ông Trần Duy Đông thông tin: Sau năm lần chỉnh sửa, mới đây đã trình Chính phủ nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Hy vọng nghị định sửa đổi sẽ xử lý được những vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có vấn đề liên quan đến quy định phát triển hệ thống phân phối minh bạch, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào chất lượng, thực chất.