Vạch trần âm mưu dùng rắn sát hại vợ của người đàn ông Ấn Độ
Suraj Kumar hai lần sử dụng rắn độc để giết vợ sau khi đánh thuốc mê nạn nhân. Trong lần ra tay thứ hai, thủ phạm đã thành công.
Suraj Kumar và Uthra gặp nhau qua mai mối, rồi kết hôn vào tháng 3/2018. Vishu, anh trai của cô Uthra, nói vì em gái mình khuyết tật nên nguyện vọng của cả nhà là tìm được người đàn ông yêu thương và chăm sóc tốt cho em.
Kumar, nhân viên ngân hàng 27 tuổi, xuất thân từ gia đình không giàu có. Cha của Kumar là tái xế, còn mẹ anh ở nhà làm nội trợ.
Tháng 5/2020, mẹ của Uthra phát hiện con gái nằm bất tỉnh trên giường, tay trái có vết máu li ti. Khi được đưa vào bệnh viện, cô gái 25 tuổi đã tử vong. Khám nghiệm tử thi xác nhận Uthra thiệt mạng vì bị rắn hổ mang cực độc cắn.
Nghi ngờ có điều bất thường, gia đình Uthra trình báo cảnh sát. Cuối cùng, chân tướng sự thật được làm rõ. Dù con rắn hổ mang đã tước đi mạng sống của Uthra, kẻ chủ mưu đằng sau vụ việc là người chồng Kumar, theo bài viết của CNN hôm 20/11.
Kết hôn vì tiền
Theo hồ sơ tòa án, Kumar cưới Uthra "vì mục tiêu tài chính". Khi cặp đôi kết hôn, Kumar được nhận khoảng 20 cây vàng, một ôtô và 6.700 USD tiền mặt.
Không lâu sau, gia đình Kumar đòi cha mẹ của Uthra trả tiền mua sắm vật dụng gia đình, mua thêm một xe hơi, đồ nội thất, phí sửa sang nhà cửa, và tiền học một khóa MBA cho em gái của Kumar.
"Uthra chưa từng nhìn thấy điều xấu ở người khác. Con bé không nhận ra mình đang bị người ta lợi dụng", anh trai Vishu nói.
Cha của Uthra nói trước tòa gia rằng đình ông đáp ứng mọi điều kiện của nhà thông gia, đồng thời đưa cho Kumar 107 USD mỗi tháng để chăm sóc con gái họ.
Nhưng Kumar ngày càng bất mãn với vợ và lên kế hoạch giết cô, tòa án kết luận.
Cuối năm 2019, Kumar bắt đầu quan tâm tới rắn. Người đàn ông xem các video trên YouTube, trong đó có những video của chuyên gia huấn luyện rắn nổi tiếng Vava Suresh. Trong những video này, Suresh trình diễn khả năng tương tác với các loài rắn, gồm loài rắn lục Russell cực độc.
Ngày 26/2/2020, Kumar mua một con rắn lục Russell với giá 135 USD. Ngày tiếp theo, Kumar để con rắn trên cầu thang nhà mình, rồi dẫn dụ Uthra đi lên cầu thang, hy vọng người vợ bị rắn cắn.
"Âm mưu này bất thành bởi Uthra nhìn thấy con rắn và kêu cứu", tòa án cho biết.
Kumar sau đó bắt con rắn lại và giữ trong một túi nhựa. Đêm 2/3/2020, Kumar một lần nữa ra tay.
Người đàn ông trộn thuốc an thần vào bánh gạo của Uthra, khiến cô gái ngủ sâu. Kumar sau đó tấn công con rắn, làm con rắn cắn người vợ đang ngủ, rồi vứt con rắn ra bên ngoài nhằm phi tang bằng chứng.
Uthra thức giấc và gào thét trong đau đớn. Sau một khoảng thời gian trì hoãn, Kumar đưa vợ vào bệnh viện, nói rằng cô bị rắn cắn ở bên ngoài khi đang giặt quần áo. Tại bệnh viện, Uthra được cứu sống.
Ngay sau khi âm mưu thất bại, Kumar quyết mua một con rắn khác. Lần này, người đàn ông lựa chọn rắn hổ mang.
Vì vết cắn của con rắn lục, Uthra phải điều trị tại bệnh viện Pushpagiri ở thị trấn Kerala trong 52 ngày. Khi được xuất viện ngày 22/4/2020, cô gái không thể tự đi bộ. Kumar quyết ra tay khi vợ vẫn phải nằm trên giường ở nhà cha mẹ ruột.
Âm mưu trót lọt
Hôm 6/5/2020, chỉ 15 ngày sau khi Uthra được xuất viện, Kumar đưa con rắn hổ mang tới nhà vợ. Lần này, Kumar một lần nữa khiến vợ ngủ mê man bằng thuốc an thần hòa trong nước chanh.
Khi Kumar ném con rắn về phía vợ, sinh vật này không cắn Uthra. Kumar quyết định cầm đầu con rắn và ấn răng nanh của nó vào tay của người vợ 2 lần.
Dù đã cố khiến vụ việc trông giống như tai nạn, nhiều manh mối chỉ ra vết cắn không hề tự nhiên, từ độ rộng cho đến vị trí vết cắn, cũng như việc con rắn không thể tự bò vào trong nhà.
"Rắn hổ mang không cắn nếu chúng không bị kích động mạnh. Và sau 20h, chúng thường không hoạt động", Hari Shankar, sĩ quan cảnh sát Kerala, cho biết.
Trước tòa, các điều tra viên đã dựng lại hiện trường, sử dụng mannequin và rắn hổ mang thật. Kết quả cho thấy con rắn trườn qua mannequin mà không để lại vết cắn nào.
Các chuyên gia cũng hoài nghi làm thế nào con rắn có thể bò vào phòng của Uthra. Rắn hổ mang chỉ có thể vươn thân cao bằng 30% so với chiều dài cơ thể. Điều này có nghĩa một con rắn dài 150 cm chỉ có thể vươn lên cao 50 cm, không đủ để bò qua cửa sổ.
Bậc thầy về rắn Vava Suresh cũng được triệu tập làm chứng. Suresh nói khi cắn để tự vệ, rắn không bao giờ cắn 2 lần bởi chúng phải để dành nọc độc.
Và Suresh cũng khẳng định nếu Uthra không bị đánh thuốc mê, cô gái chắc chắn sẽ tỉnh lại sau khi bị cắn.
Con rắn cắn chết Uthra được tìm thấy trong nhà cô. Khám nghiệm cho thấy bụng con rắn trống rỗng, một tình tiết rất quan trọng của vụ án.
"Một con rắn mất 7 ngày mới tiêu hóa hết thức ăn, đồng nghĩa con rắn đã không ăn gì suốt 7 ngày. Một con rắn hổ mang sống trong tự nhiên thường ăn ít nhất 2 lần mỗi ngày. Có thể thấy con rắn cắn Uthra đã bị ai đó bắt nhốt", thanh tra viên Shankar nói.
Sau cái chết của Uthra, Chavarukavu Suresh, tay buôn đã bán rắn cho Kumar, gọi điện chất vấn người đàn ông. Kumar nói không thể tiếp tục sống với người vợ tật nguyền và yêu cầu Suresh giữ im lặng để tránh bị cáo buộc tội giết người.
Nhưng sau đó, cảnh sát bắt giữ cả Kumar và Suresh. Tại cơ quan điều tra, Suresh thừa nhận bán hai con rắn cho Kumar, khẳng định không biết ý định giết vợ của người đàn ông.
Suresh sau đó được trả tự do và làm chứng chống lại Kumar trước tòa.
Kumar kiên quyết không nhận tội. Thẩm phán tuyên án Kumar 4 tội danh, trong đó có âm mưu giết người và giết người. Người đàn ông phải lĩnh 2 bản án tù chung thân.
Làn sóng nguy hiểm
Cái chết của Uthra không phải là án mạng sử dụng rắn độc đầu tiên ở Ấn Độ.
Hôm 6/10, Tòa án Tối cao Ấn Độ bác đơn xin tại ngoại của Krishna Kumar. Người này là một trong 3 nghi phạm bị cáo buộc giết hại một phụ nữ ở bang Rajashthan bằng rắn độc, NDTV đưa tin.
Tại phiên xét xử, thẩm phán Surya Kant nói dùng rắn độc để giết người đang trở thành "một làn sóng" ngày càng phổ biến ở Rajasthan.
Thiệt mạng vì bị rắn cắn không hiếm ở Ấn Độ. Trong khoảng thời gian 2000-2019, khoảng 1,2 triệu người Ấn Độ tử vong vì rắn cắn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Theo điều tra viên Shankar, đến 99,9% các vụ rắn cắn ở Ấn Độ được phân loại là "tai nạn".
"Chúng ta không biết bao nhiêu vụ trong số này có thể là giết người nhưng bị bỏ qua. Trong những trường hợp này, cần phải chứng minh vết cắn do con người âm mưu, bằng cách chứng minh nạn nhân bị đánh thuốc, chứng minh nghi phạm đã mua rắn, kiểm tra thông tin liên lạc của nghi phạm, những thứ tương tự vậy", ông Shankar nói.