Vạch trần 'ngành công nghiệp' ngầm lan truyền tin giả trên thế giới
Hồi tháng 5, một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) ở Pháp và Đức đã nhận được một lời đề nghị hợp tác kỳ lạ.
Một công ty quan hệ công chúng ở London, Anh, muốn trả tiền cho họ để quảng bá những thông điệp đại diện cho một khách hàng. Bản tài liệu dài 3 trang gửi kèm theo nêu chi tiết những gì họ cần nói cũng như dùng nền tảng nào để nói.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, hợp đồng này không đề nghị các influencer quảng cáo sản phẩm làm đẹp hay gói du lịch nghỉ dưỡng như thường thấy, mà lại là những lời dối trá nhắm vào vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Lạ lùng thay, địa chỉ trụ sở công ty quan hệ công chúng Fazze ở London lại là một địa điểm không có thực.
Một số người đã chụp màn hình lời mời hợp tác trên rồi đăng lên trang cá nhân của họ. Sau khi bị lộ tẩy, Fazze đã xóa sạch các tài khoản mạng xã hội. Cùng tuần đó, các influencer ở Brazil và Ấn Độ cũng chia sẻ loạt hình ảnh tố cáo kịch bản bịa đặt của Fazze cho hàng trăm nghìn người xem.
Kế hoạch này là một phần của ngành công nghiệp ngầm mà các chuyên gia an ninh và giới chức Mỹ gọi là “tin sai lệch cho thuê” vốn đang âm thầm bùng nổ về quy mô.
Các công ty tư nhân, từ tiếp thị truyền thống cho đến chiến dịch địa chính trị, đang bán ra những dịch vụ tai hại trên. Họ gieo rắc mối bất hòa, can thiệp vào các cuộc bầu cử, gieo rắc những câu chuyện sai trái và thúc đẩy các âm mưu lan truyền, chủ yếu là trên mạng xã hội.
Các bài đăng tuyển dụng và hồ sơ trên LinkedIn liên kết với Fazze mô tả nó là một công ty con của một công ty khác tên là Adnow có trụ sở tại Moskva, Nga. Một số miền web của Fazze được đăng ký dưới quyền sở hữu của Adnow. Đánh giá của bên thứ ba cho thấy Adnow là một nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo đang gặp khó khăn. Giới chức châu Âu đang điều tra ai là người đã thuê Adnow làm chiến dịch trên.
Thuê truyền tin giả, mặc dù hiếm khi có hiệu quả, nhưng ngày càng tinh vi. Giới chuyên gia cho hay nó đang trở nên phổ biến hơn ở khắp thế giới. Kết quả là sự gia tăng ngày càng nhanh các âm mưu phân cực, làm xấu đi thực tế chung.
Theo các chuyên gia, xu hướng này nổi lên sau vụ bê bối của Cambridge Analytica năm 2018. Cambridge là công ty tư vấn chính trị có mối liên hệ với các thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump. Cambrigde bị phát hiện đã thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook.
Vụ việc gây tranh cãi này đã thu hút sự chú ý về những phương pháp quảng cáo phổ biến giữa các nhà tiếp thị truyền thông xã hội. Cambridge đã sử dụng dữ liệu của mình để nhắm mục tiêu các đối tượng siêu cụ thể với các thông điệp phù hợp. Nó đã kiểm tra những gì được quan tâm nhất bằng cách theo dõi lượt thích và chia sẻ.
"Thật không may, trên thị trường có lượng nhu cầu lớn về thông tin sai lệch. Và rất nhiều nơi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó”, ông Graham Brookie, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu pháp y kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương nhận xét.
Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, các công ty thương mại đã cho thuê dịch vụ thông tin sai lệch ở ít nhất 48 quốc gia vào năm ngoái, gần gấp đôi so với năm trước, Các nhà nghiên cứu đã xác định được 65 công ty cung cấp dịch vụ như vậy.
Công nghệ mới cho phép hầu hết mọi người đều có thể tham gia tung tin giả. Những chương trình lập trình tạo hàng loạt tài khoản giả với ảnh hồ sơ khó theo dõi. Việc truy cập vào dữ liệu cá nhân của người dùng cũng vậy, dễ dàng được mua với số lượng lớn.
Đối mặt với vấn nạn trên, một số “ông lớn” mạng xã hội đã tăng cường nỗ lực để loại bỏ tận gốc thông tin sai lệch. Giới phân tích đặc biệt tín nhiệm Facebook bởi công ty này luôn công bố báo cáo chi tiết về các chiến dịch tin giả bị triệt phá.
Tuy nhiên, một số người cho rằng các công ty truyền thông xã hội cũng đóng vai trò trong việc làm trầm trọng thêm mối đe dọa từ ngành công nghiệp tin giả. Nghiên cứu của Đại học Oxford đã chỉ ra rằng những thuật toán và yếu tố thiết kế thúc đẩy sự tương tác mà các nền tảng sử dụng dường như ưu tiên nội dung mang tính âm mưu và chia rẽ hơn bình thường.