Vạch trần thủ đoạn của những kẻ chuyên môi giới 'đẻ thuê' giá nửa tỷ đồng
Thời gian vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội đã liên tiếp triệt phá, bóc gỡ hàng loạt các ổ nhóm chuyên môi giới 'đẻ thuê', thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng. Đây được coi là một loại tội phạm hoạt động vô cùng kín kẽ, tinh vi…
Được làm cha, mẹ là niềm hạnh phúc của tất cả mọi người. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà có một số cặp vợ chồng không thể tự mình mang thai. Nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngành y tế, trong thực tiễn, hình thức mang thai hộ được ra đời, mặc dù đây là hành vi vì mục đích nhân đạo nhưng trên thực tế vẫn có nhiều đối tượng lợi dụng cách thức này để thực hiện các giao dịch thương mại và gây ra nhiều hậu quả cho các bên. Do đó, pháp luật đã có những quy định chặt chẽ liên quan đến vấn đề này.
Hàng loạt ổ nhóm môi giới mang thai hộ bị bắt giữ
Đầu tháng 6-2019, Công an quận Đống Đa, Hà Nội tiếp nhận tin báo của người dân về việc phát hiện trường hợp có dấu hiệu tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại tại Bệnh viện Bảo Sơn, ở phố Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Ban chỉ huy Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp chủ trì xác lập chuyên án, phối hợp với Đội Hướng dẫn, điều tra tội phạm có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố và Công an phường Láng Thượng tổ chức điều tra, làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định, đối tượng chính trong đường dây tổ chức “đẻ thuê” này là Phạm Thị Kim Dung, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và hiện đang mang thai.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa đã bắt giữ Phạm Thị Kim Dung. Tại cơ quan công an, đối tượng liên tục quanh co chối tội. Tuy nhiên, bằng các tài liệu, chứng cứ xác thực, Dung đã nhận tội và khai nhận toàn bộ vụ việc.
Theo tài liệu của cơ quan công an, từ năm 2018 đến nay, đối tượng Dung đã móc nối, tổ chức nhận "đẻ thuê" cho 6 trường hợp với giá gần nửa tỷ đồng trên một vụ... Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Kim Dung (SN 1988; trú tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) về hành vi Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Ít lâu sau khi đường dây của Dung “lộ sáng”, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố cũng đã bóc gỡ ổ nhóm môi giới “đẻ thuê” bắt giữ 3 đối tượng gồm Hoàng Huy Quang (SN 1976, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Vũ Thị Liễu (SN 1990) và Phạm Thiên Thuấn (SN 1987) cùng trú tại xã Quang Hưng, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Các đối tượng Hoàng Huy Quang, Phạm Thiên Thuấn, Vũ Thị Liễu
Theo tài liệu điều tra ban đầu của Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán người (Đội 12) Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trong thời gian từ tháng 4-2019 đến tháng 8-2019, nhóm đối tượng này đã thực hiện trót lọt 6 vụ môi giới mang thai hộ với giá tiền từ 450 triệu đồng đến 550 triệu đồng.
Góc khuất trong thế giới “chợ đen” bên ngoài cánh cổng các cơ sở y tế
Theo tài liệu của cơ quan công an, cả hai đối tượng cầm đầu trong các đường dây “đẻ thuê” này đều không có công ăn việc làm ổn định. Các đối tượng thường xuyên loanh quanh khu vực trước cổng các bệnh viện phụ sản, phòng khám hiếm muộn để tìm những “con mồi” là những gia đình gặp khó khăn trong việc sinh sản có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
Với vỏ bọc là những người từng làm việc trong các cơ sở y tế, có hiểu biết về các giấy tờ thủ tục và các quy định về việc mang thai hộ, các đối tượng dễ dàng lấy được sự tín nhiệm của các gia đình.
Cùng với đó, do sự cam kết bảo mật thông tin, chỉ nhận đủ tiền sau khi đã bàn giao đứa trẻ và hơn nữa là “bao” làm giúp mọi thủ tục giấy tờ khiến cho các gia đình cần mang thai hộ dễ dàng chấp nhận mức giá “cắt cổ” của các đối tượng đưa ra.
Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa: “Đối tượng Dung trong vụ án được đơn vị triệt phá, đã vào các trang mạng xã hội, đăng vào các hội nhóm để tìm người nhận “đẻ thuê”. Những người phụ nữ được Dung chọn phải có sức khỏe, hoàn cảnh khó khăn, cần tiền gấp để giải quyết công việc và thường là người ở các vùng sâu, vùng xa. Tùy theo các trường hợp cụ thể mà “bà trùm” sẽ ra giá cho mỗi vụ, tuy nhiên giá dao động từ 400- 450 triệu đồng. Trong đó, Dung chi trả cho người mang thai hộ 200 triệu đồng, số tiền còn lại đối tượng dùng để chi cho việc khám, nuôi dưỡng người mang thai và hưởng lợi”.
Ngoài ra, theo các cán bộ điều tra, những đối tượng hoạt động môi giới đẻ thuê này thường chọn những vị trí nhà ở xa trung tâm, ở khu vực vắng vẻ để nuôi dưỡng, chăm sóc những người phụ nữ chờ “mang thai” hoặc đang trong thời kỳ dưỡng thai. Các đối tượng luôn bảo mật thông tin của người cần mang thai hộ và người nhận đẻ thuê. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, chính người nhận mang thai hộ cũng không biết tên, địa chỉ của những người thuê mình mang thai. Điều này gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc điều tra đánh giá việc mang thai hộ vì mục đích thương mại hay không.
Cần siết chặt quản lý
Cũng theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa, thời gian gần đây cho thấy diễn biến hoạt động của loại tội phạm môi giới đẻ thuê luôn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng nắm được nhiều gia đình hiếm muộn, có nhu cầu mang thai hộ. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho phép việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Lợi dụng những yếu tố này, các đường dây môi giới và tổ chức đẻ thuê đã được hình thành một cách tinh vi, dưới vỏ bọc là những "bộ hồ sơ hợp pháp".
Tuy nhiên, hành vi của đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tự nhiên của dân số, gây hệ lụy lâu dài đến nòi giống, huyết thống, ảnh hưởng đến sức khỏe người mang thai, trẻ sơ sinh và ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế.
Chính vì vậy, thông qua vụ việc này, cơ quan công an khuyến cáo những gia đình có nhu cầu chính đáng về việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo, cần tìm đến cơ sở uy tín được cấp phép, để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực y tế cần có các biện pháp để quản lý, siết chặt việc nhận tạo ra các phôi để cung cấp ra bên ngoài. Cần cung cấp danh sách và địa chỉ các cơ sở y tế được phép hoạt động trong lĩnh vực này để người dân nắm và có hiểu biết chính xác, tìm đến sử dụng. Tránh trường hợp, thiếu thông tin dẫn đến việc người dân đến cơ sở y tế để khám nhưng sau đó lại bị các đối tượng môi giới đánh vào “đòn” tâm lý để lôi kéo các gia đình.
Các cơ quan hữu quan cũng cần có thông tin tuyên truyền rộng rãi tại các địa phương về những vấn đề liên quan đến mang thai hộ để người dân nắm và hiểu việc mang thai hộ vì mục đích thương mại là vi phạm pháp luật.