VACOD-ĐIỆN BIÊN 2024: Giải phóng 7 trụ cột kinh tế sáng tạo của tỉnh Điện Biên
Chiều 18/10, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế về xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024 với chủ đề VACOD - ĐIỆN BIÊN: TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI – HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI…
Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện Hiệp hội VACOD cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA tổ chức từ ngày 17-19/10/2024 tại tỉnh Điện Biên.
Ngày 24/7/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 1705/QĐ-BKHCN phê duyệt Khung Chỉ số PII năm 2024. Khi được nghiên cứu, hình thành và phát triển, bộ Chỉ số PII cung cấp bức tranh về hiện trạng phát triển kinh tế xã hội dựa trên Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo của từng tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Hiện PII là bộ chỉ số duy nhất tổng hợp và đa ngành phản ánh tổng thể hiện trạng kinh tế xã hội.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh từng nhận định, việc xếp hạng Chỉ số PII không phải chỉ để quan tâm thứ hạng, mà qua các chỉ số thể chế, con người, môi trường kinh doanh... đến nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được những điều kiện giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra các trụ cột trọng điểm để phát triển kinh tế sáng tạo cho vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Đây là 7 trụ cột nằm trong khung Chỉ số đổi mới sáng tạo PII năm 2024 thông qua các chỉ số về thể chế, con người, môi trường kinh doanh, nghiên cứu phát triển, các địa phương nhìn nhận được các điều kiện nào giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Khi vận dụng bộ Chỉ số PII vào sự phát triển kinh tế vùng Tây Bắc và riêng tỉnh Điện Biên đã cho thấy nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ trong một số trụ cột nhất định. Nhận diện những khó khăn đó, dưới góc độ của chuyên gia trong lĩnh vực khoa học công nghệ, PGS.TS Vũ Văn Tích đã kiến nghị một số nội dung để vận dụng vào hoạt động kinh tế vùng Tây Bắc.
Trước tiên, đối với trụ cột “cơ sở hạ tầng”, hiện nay, các tỉnh Tây Bắc đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng là điều cấp thiết. Một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại cùng với các công trình công cộng chất lượng cao sẽ không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Đối với trụ cột “trình độ phát triển của thị trường”, lãnh đạo các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc cần tăng cường tiếp cận tín dụng cho khu vực tư nhân trong bối cảnh hầu hết các địa phương trong vùng đều đang dưới mức trung bình (trừ Thái Nguyên). Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất – kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn qua đó khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất kinh doanh, đầu tư tài sản cố định và tài chính dài hạn. Cùng với đó là việc thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp.
Ưu tiên trụ cột “trình độ phát triển của doanh nghiệp” bằng cách khuyến khích doanh nghiệp đào tạo lao động lao động chuyên nghiệp để có nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích, tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa viện trường và doanh nghiệp.
Một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là trụ cột “sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ” thì địa phương cũng cần tăng cường hoạt động khuyến khích, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh tập thể, phát triển sản phẩm, đăng kí nhãn hiệu tập thể, phát huy thế mạnh vùng miền mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Cuối cùng là trụ cột “tác động” sẽ bao gồm 2 nhóm chỉ số, 8 chỉ số thành phần về tác động đến sản xuất, kinh doanh, tác động đến kinh tế xã hội. Địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản phẩm OCOP. Tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, tăng năng suất lao động. Khi tạo được công việc ổn định cho người dân sẽ góp phần tăng tốc độ giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng chỉ số phát triển con người đối với người dân địa phương.
Khi từng trụ cột được cải thiện thì cần kết nối để đạt được mức độ hiệu quả cao nhất. PGS.TS Vũ Văn Tích khẳng định: “Kế hoạch phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo cho vùng Tây Bắc phải dựa trên việc tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của các tỉnh, đặc biệt là Điện Biên, kết hợp với cải thiện điều kiện nền tảng cả về con người, thể chế và cơ sở hạ tầng. Việc liên kết, điều chỉnh và thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan sẽ là chìa khóa để phát triển bền vững và toàn diện”.
Để làm được điều này, chính quyền địa phương phải coi mô hình kinh tế sáng tạo này là chiến lược đặc thù với với địa phương mình, tổ chức quản lý và đầu tư theo chỉ số. Song song với đó, các doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình kinh doanh sáng tạo và kết kết nối trên nền tảng công nghệ IOT để hòa nhập quốc tế. Người dân cần được tập huấn và hỗ trợ thông qua quỹ phi tài chính.