VACOD – RICEGLASS: Đặt nền móng xây dựng trung tâm gốm sứ mỹ nghệ và thương mại Tây Nam Thủ đô
Đứng trước những 'cuộc cách mạng' quan trọng mang tính đột phá của đất nước, các ngành nghề truyền thống cũng buộc phải tìm hướng thay đổi để thích nghi, không bị tụt hậu phía sau…
Tại Tọa đàm "Kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng – VACOD đã nêu những quan điểm như một lời khẳng định về sự đồng hành của VACOD với quá trình đổi mới và phát triển của ngành hàng gốm sứ, thủy tinh trong tương lai.
THÁCH THỨC LÀ CƠ HỘI CHUYỂN MÌNH
Tọa đàm “Kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành gốm sứ, thủy tinh trong kỷ nguyên mới” vừa diễn ra ngày 16/1 là sự kiện do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD phối hợp với Viện Nghiên cứu Sành sứ thủy tinh công nghiệp – RICEGLASS tổ chức với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ngành gốm sứ, thủy tinh Việt Nam, tạo không gian giao lưu và xúc tiến thương mại cho các đơn vị trong ngành.
Chương trình có sự tham gia của ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Hoàng Bá Thịnh, Phó Chủ tịch VACOD, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VICOD, nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng giám đốc TikTok Việt Nam cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực gốm sứ, thủy tinh đã mang đến những góc nhìn đa chiều, những ý tưởng đột phá, góp phần định hình tương lai của ngành gốm sứ, thủy tinh. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và đại diện nền tảng thương mại điện tử TikTok đã cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng, đồng thời thảo luận và đưa ra những giải pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành gốm sứ, thủy tinh.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội VACOD khẳng định: “Đất nước đang bước vào kỷ nguyên với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kĩ thuật. Những đột phá về mặt công nghệ đã và đang tạo ra những cơ hội mới cũng như những thách thức mà ngành gốm sứ, thủy tinh công nghiệp cần phải thích ứng và vượt qua. Trong bối cảnh đó, việc kết nối công nghệ và định hướng tương lai cho ngành không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết để các Doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang ngày càng chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra yêu cầu đổi mới đối với mọi ngành nghề kinh tế. Phó Chủ tịch Thường trực VACOD cũng kỳ vọng, qua chương trình, với sự tham gia, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, đại diện nền tảng số sẽ tìm ra các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc mà thực tế ngành gốm sứ, thủy tinh công nghiệp đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhìn nhận, việc mở rộng các kênh thương mại điện tử như Tiktok, Shopee, Lazada... chính là một hướng đi đầy tiềm năng, nhưng vô cùng thách thức do đặc thù riêng của ngành gốm sứ. Nhưng chính những thách thức lại là cơ hội để toàn ngành thay đổi chiến lược, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các khâu nghiên cứu, sản xuất, logistics… nâng cao hiệu quả sản xuất, tối ưu hóa quy trình, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới – trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành.
Theo đại diện lãnh đạo VACOD, hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị qua Nghị quyết 57/NQ-TW, VACOD - RICEGLASS cũng mong muốn tọa đàm là sự kiện mở đầu, đặt nền móng cho việc thành lập và xây dựng trung tâm gốm sứ mỹ nghệ và thương mại phía Tây Nam thành Phố Hà Nội và hướng tới tổ chức định kỳ, thường niên Hội chợ triển lãm gốm sứ hàng năm và các tọa đàm phát triển khoa học công nghệ, sản xuất hiệu quả bền vững trong tương lai.
4 MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2025-2030 CỦA RICEGLASS
Tại chương trình tọa đàm, ông Trần Văn Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp chia sẻ những mục tiêu chiến lược RICEGLASS đặt ra trong bối cảnh mới nhằm phát huy vai trò trong việc phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, phát huy những giá trị truyền thống trong ngành gốm sứ thủy tinh.
Viện RICEGLASS cũng xác định mục tiêu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp hiện đại:
Thứ nhất, Viện tiếp tục đẩy mạnh phát triển và làm chủ các công nghệ sản xuất, chế tạo gốm sứ kỹ thuật. Làm chủ công nghệ sản xuất gốm bán dẫn, điện tử; công nghệ chế biến và nâng cao chất lượng nguyên vật liệu cho ngành sản xuất gốm sứ, thủy tinh; đẩy mạnh chế tạo các thiết bị hiện đại.
Thứ hai, RICEGLASS tiếp tục đầu tư hệ thống máy phân tích, trang thiết bị hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu phân tích các mẫu nguyên liệu, sản phẩm thử nghiệm gốm sứ, thủy tinh; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm và nguyên liệu gốm sứ; chuyển giao công nghệ sản xuất sứ dân dụng, gốm sứ kỹ thuật, chế biến nguyên vật liệu tới các doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm gốm sứ thủy tinh…
Thứ ba, tập trung phục dựng những giá trị di sản văn hóa truyền thống kết hợp với sự đổi mới sáng tạo để sản phẩm không chỉ đẹp mà còn có chất lượng vượt trội, phù hợp với nhu cầu thị trường hiện đại.
Đặc biệt, thứ tư, viện sẽ xây dựng chuỗi sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Mục tiêu là đảm bảo hài hòa giữa chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường ở mọi giai đoạn trong quy trình sản xuất.
RICEGLASS đã có 42 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trong 5 năm trở lại đây, Viện đã ghi nhận nhiều bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ phân tích chất lượng cao.
Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp cũng tập trung phát triển các hoạt động phân tích, kiểm định và triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn vị luôn định hướng nghiên cứu, cải tiến các sản phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, viện đã thực hiện thành công việc chuyển giao công nghệ hiện đại cho nhiều doanh nghiệp trong ngành, doanh thu từ các hoạt động nghiên cứu đạt trung bình 8-10tỷ đồng/năm.
“Trong Kỷ nguyên mới của dân tộc, khi đất nước đang vươn mình mạnh mẽ trên con đường phát triển, Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp sẽ tiếp tục là đầu tàu trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong ngành gốm sứ thủy tinh, với một mục tiêu duy nhất: kiến tạo giá trị bền vững cho đất nước, cho thế hệ mai sau”, ông Trần Văn Vinh khẳng định.
Tại phần tọa đàm, các diễn giả đã đưa ra nhiều định hướng, kiến nghị cho sự phát triển của ngành gốm sứ, thủy tinh trong thời gian tới. Đặc biệt, đại diện cơ quan quản lý, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đưa ra định hướng các giải pháp đổi mới đối với các doanh nghiệp gắn liền với các viện nghiên cứu trong lĩnh vực nghề thủ công như gốm sứ, thủy tinh.
Qua những lời chia sẻ của các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp trong ngành cho thấy mỗi sản phẩm gốm sứ, thủy tinh, thủ công mỹ nghệ đều ẩn chứa những câu chuyện, đây cũng sẽ là một trong những cách để thương mại hóa các sản phẩm được nghiên cứu ra.
Theo ông Tuấn, bên cạnh những phương thức bán hàng ứng dụng công nghệ hiện đại, nắm bắt xu hướng thị trường thì chính những người làm ra những sản phẩm đó có thể đưa những câu chuyện văn hóa của làng nghề, câu chuyện của quá trình nghiên cứu vào từng sản phẩm đó. Tất cả những câu chuyện đó tổng hòa thành giá trị di sản của những sản phẩm gốm sứ, thủy tinh. Trên tinh thần đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã có những quyết sách để phát triển hàng hóa thuần túy mà sẽ gắn liền những giá trị văn hóa.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đương nhiên sẽ đặt ra những thách thức với các ngành kinh tế, trong đó sẽ có ngành gốm sứ, thủy tinh. Gốm sứ thủy tinh không còn đơn giản là những vật dụng hàng ngày mà đó là một phần tương lai của nhân loại, tương lai của khoa học khi gắn liền với công nghệ bán dẫn, điện tử ion… Nếu viện có thể liên kết với các doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ hiện đại sẽ mang lại giá trị phát triển không thể thay thế trong tương lai.
Kết thúc tọa đàm, bà Nguyễn Thùy Dương một lần nữa nhấn mạnh, trong giai đoạn cả nước tích cực đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, VACOD cũng sẵn sàng đồng hành cùng RICEGLASS phát huy sứ mệnh người Việt sản xuất hàng hóa vì người Việt, vì mục đích phát triển những sản phẩm cốt lõi của người Việt Nam. Khi đã xác định được mục đích, các đơn vị sẽ liên kết, nâng cao sức mạnh để phát triển hàng hóa tiêu dùng nội địa.