Vắcxin AstraZeneca đạt hiệu quả 79% trong thử nghiệm tại Mỹ

Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca - Nguồn: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 22/3, AstraZeneca thông báo vắcxin của công ty này có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID-19 trong thử nghiệm giai đoạn 3 ở Mỹ mà không phát hiện mối lo ngại nào về vấn đề an toàn.

AstraZeneca cho biết vắcxin, được phát triển với sự phối hợp của Đại học Oxford, cũng được chứng minh là có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng lên và bệnh nhân phải nhập viện. AstraZeneca dự kiến sẽ trình kết quả này lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Trước đó, AstraZeneca đã tiêm vắcxin cho 32.449 tình nguyện viên, trong đó có 141 trường hợp có triệu chứng COVID-19. Tất cả những người này đều được tiêm 2 liều cách nhau 4 tuần hoặc nhiều hơn 4 tuần và đều chứng minh là tăng tỉ lệ hiệu quả.

Các vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna yêu cầu hai liều, trong khi vắcxin Johnson & Johnson yêu cầu một liều.

Theo AstraZeneca, hiệu quả của vắcxin tương đối đồng nhất giữa độ tuổi và chủng tộc. Vắcxin của AstraZeneca cũng có thể được bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường từ 36-46 độ F (tương đương từ 2-8 độ C).

Thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ có kết quả chậm hơn các khu vực khác do từng bị tạm dừng trong 7 tuần hồi mùa Thu năm ngoái. Các nhà khoa học nghi ngờ vắcxin gây tác dụng phụ nghiêm trọng về thần kinh ở các tình nguyện viên, nhưng giới chuyên gia đã chứng minh điều này là không đúng.

Trong diễn biến khác, Reuters đưa tin, ngày 22/3, các nhà khoa học phát triển EpiVacCorona, loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai của Nga, cho biết loại chế phẩm này hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Vắcxin EpiVacCorona, do Viện Công nghệ sinh học quốc gia Vector ở vùng Siberia sản xuất, được Nga đưa vào thử nghiệm hàng loạt từ tháng 11 năm ngoái.

Cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov cho biết nước này đặt mục tiêu sản xuất hơn 80 triệu liều vắcxin nội địa chống COVID-19 trong nửa đầu năm nay. Trong đó, 12,5 triệu liều sẽ được sản xuất trong tháng 3 và 17 triệu liều trong tháng 4. Ông Manturov cho biết thêm đến thời điểm này Nga đã chuyển giao công nghệ cần thiết để sản xuất vắcxin của nước này cho 10 nước khác.

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng cho phiên bản vắcxin “Sputnik-Light” chỉ cần một mũi tiêm để chống COVID-19.

Cũng theo quan chức này, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ thăm Nga ngày 10/4 tới để đánh giá các thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin Sputnik V của Nga.

Theo Điện Kremlin, trong ngày 22/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thảo luận khả năng sử dụng vắcxin Sputnik V.

Trước đó, Reuters đưa tin, phát biểu trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp ngày 22/3 về các loại vắcxin COVID-19 của Nga, Tổng thống Putin cho biết ông dự định sẽ tiêm vắcxin COVID-19 trong ngày 23/3 (theo giờ Moscow) nhưng không nói rõ sẽ dùng loại nào trong số 3 vắcxin nội địa.

Trong bối cảnh hiện đã có 4,3 triệu người Nga được tiêm đủ hai liều vắcxin, ông Putin cho rằng cần không dưới 60% dân số trưởng thành tại Nga được tiêm vắcxin để nước này có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên ông Putin cũng cho rằng quyết định tiêm vắcxin hay không hoàn toàn là vấn đề tự nguyện đối với mọi người dân Nga. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, việc tăng cường sản xuất các loại vắcxin COVID-19 cho nhu cầu trong nước là ưu tiên quan trọng, mặc dù Nga đã ký các hợp đồng quốc tế cung cấp vắcxin COVID-19 cho 700 triệu người.

Liên quan đến vắcxin của Nga, theo AFP, ngày 22/3 Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức đứng sau việc phát triển vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19, cáo buộc một quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã "có thành kiến rõ ràng" với vắcxin này vì là vắcxin của Nga.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253651/vacxin-astrazeneca-dat-hieu-qua-79-trong-thu-nghiem-tai-my.html