Vắcxin ngừa COVID-19 đặt ra những thách thức hậu cần
Với mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển đang được kỳ vọng là loại vắcxin đầu tiên
Các chiến dịch "phủ sóng" vắcxin quy mô lớn không phải điều lạ lẫm vì hoạt động này đã được triển khai trong hàng chục năm qua trong cuộc chiến chống dịch bệnh truyền nhiễm như sởi và cúm mùa. Tuy nhiên, cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lại đặt ra những thách thức mới cho các loại vắcxin ngừa virus này đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, đó là thời gian ngắn để chủng ngừa cho lượng lớn đối tượng, tiêu chuẩn tiêm đủ 2 liều của hầu hết các loại vắcxin và điều kiện bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Với mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển, đang được kỳ vọng là loại vắcxin đầu tiên được cấp phép sử dụng tại Mỹ. vắcxin của Pfizer và BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ khá thấp, -70 độ C, trong khi các loại vắcxin ngừa cúm thông thường chỉ cần bảo quản trong tủ lạnh bình thường.
Theo kế hoạch, Pfizer sẽ sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 tại nhà máy lớn nhất của hãng tại Kalamazoo, bang Michigan, và từ đây phân phối đi cả nước và trên toàn cầu với hệ thống vận chuyển hoạt động chuẩn xác gồm máy bay, xe tải, containers. Theo tính toán của Pfizer, các containers bảo ôn sẽ chứa đá khô cùng với 975 lọ vắcxin, mỗi lọ đủ cho 5 liều.
Hằng ngày, 6 xe tải sẽ vận chuyển những lọ vắcxin như vậy tới các hãng vận chuyển hàng không như FedEx, UPS hoặc DHL để đảm bảo phân phối chúng trên khắp nước Mỹ trong 1 hoặc 2 ngày và trên khắp thế giới trong 3 ngày. Pfizer kỳ vọng trung bình mỗi ngày có 20 chuyến bay vận chuyển vắcxin đến các nước trên thế giới. Hãng chuyển phát nhanh DHL ước đoán cần tới 15.000 chuyến bay để phân phối 15 triệu thùng bảo quản lạnh để phân phối vắcxin trong vòng 2 năm tới trên phạm vi toàn cầu.
Chuyên gia đối phó với đại dịch thuộc Đại học bang North Carolina Julie Swann cho biết một khi tới điểm đến cuối cùng, các hộp chứa vắcxin chỉ được phép mở 2 lần/ngày để sử dụng, do vậy điều này chỉ thích hợp cho việc chủng ngừa quy mô lớn tại bệnh viện, trong khi việc phân phối đến phòng khám và nhà thuốc là không đủ điều kiện.
Không chỉ Pfizer, hãng công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang trong cuộc đua bào chế vắcxin ngừa COVID-19 với điều kiện bảo quản ở nhiệt độ -15 độ C của tủ lạnh thông thường. Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch cho việc phân phối miễn phí loại vắcxin này tới các bang và nhiều lãnh thổ khác, và mỗi bang sẽ chịu trách nhiệm phân bổ vắcxin tới các bệnh viện, theo một hệ thống phân quyền như từng áp dụng khi bùng phát dịch cúm gia cầm H1N1 hồi năm 2009.
Ông Paul Mango, quan chức thuộc chiến dịch Operation Warp Speed, một sáng kiến của chính quyền Tổng thống Donald Trump có nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ phát triển vắcxin ngừa COVID-19, cho biết mục đích của kế hoạch trên là cung cấp vắcxin tới những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất vào trước tháng 12 năm nay, sau đó là nhân viên chăm sóc y tế vào trước cuối tháng 1/2021 và đến toàn người dân Mỹ vào đầu tháng 4 năm sau.
Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, vắcxin của Pfizer này không là "viên đạn bạc", bởi thành phần "RNA thông tin" (mRNA) có trong vắcxin này đòi hỏi việc bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Yêu cầu này đặt ra thách thức riêng biệt đối với nhiều nước châu Á, hay nhiều khu vực tại châu Phi và Mỹ Latinh, những nơi có khí hậu nóng và hạ tầng cơ sở yếu kém, khó đáp ứng "chuỗi cung ứng lạnh" (cold chain) trong suốt quá trình vận chuyển đến các đảo và khu vực xa xôi hẻo lánh.
Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 70% dân số thế giới cần phải chủng ngừa để chấm dứt đại dịch này, riêng châu Á có 4,6 tỷ người, tương đương 3/5 dân số thế giới. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque nói rõ yêu cầu chuỗi cung ứng lạnh ở -70 độ C là một điều kiện rất khó đáp ứng khi nước này không có năng lực đảm bảo tiêu chuẩn như vậy. Theo ông Duque, vắcxin của Pfizer sử dụng công nghệ mới do vậy rủi ro sẽ cao hơn khi Philippines không có kinh nghiệm trong việc này.
Ông Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng y tế toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho rằng các quốc gia nghèo hơn vốn bị hạn chế năng lực bảo quản lượng lớn vắcxin, lại có ít cơ hội tiếp nhận những liều vắcxin đầu tiên. Ông nêu rõ các tủ lạnh chuyên biệt bảo quản ở nhiệt độ -80 độ C có chi phí cao gấp 5 lần so với tủ lạnh thông thường và thường chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.
Thậm chí, nhiều quốc gia giàu có hơn như Hàn Quốc và Nhật Bản đang xoay sở với yêu cầu này. Ông Fumie Sakamoto, bác sĩ tại Bệnh viện quốc tế St. Luke tại Tokyo, cho hay vấn đề bảo quản đang là thách thức lớn bởi thông thường các bệnh viện tại Nhật Bản không có tủ bảo quản siêu lạnh trong khi không rõ cách thức chính phủ duy trì "chuỗi cung ứng lạnh" này. Theo ông, đã đến lúc nước này xem xét vấn đề hậu cần cho việc vận chuyển và bảo quản vắcxin.
Tập đoàn PHC, đơn vị chuyên cung cấp tủ cấp đông y tế tại Nhật Bản, cho biết nhu cầu cho loại thiết bị này đã tăng 150% trong năm nay và hãng đang liên tục sản xuất để đáp ứng nhu cầu.
Ngược lại, ông Kwon Jun-wook, một quan chức tại Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), cho biết cơ quan sẽ theo dõi tiến trình tiêm chủng tại một số nước và sau đó mới rà soát kỹ chuỗi cung ứng tại nước này.
Hàn Quốc mới đây đã phải tiêu hủy khoảng 5 triệu liều vắcxin ngừa cúm mùa do không được bảo quản theo tiêu chuẩn. Một nghiên cứu của KDCA hồi năm 2018 cho thấy chỉ 25% trong số 2.200 phòng khám tư tham gia khảo sát có tủ bảo quản lạnh chuyên dụng, trong khi có tới 40% phòng khám sử dụng tủ lạnh gia đình.
Trong khi đó, một số quốc gia lại có cách tiếp cận khác. Việt Nam, quốc gia đã ngăn chặn thành công sự bùng phát của dịch COVID-19 thông qua xét nghiệm quy mô lớn và siết chặt kiểm soát biên giới, cho biết chính phủ sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch và ngăn ngừa.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc mua vắcxin sớm không hề dễ vì hiện nay nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất và đều chưa có gì chắc chắn, trong khi các nước muốn mua phải đặt cọc và trả tiền trước, do đó rủi ro rất cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất hiện này là tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch bệnh./.