VAFI phản đối chủ trương tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần

Hiệp hội Các Nhà đầu tư tài chính bày tỏ quan điểm rằng chủ trương tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần/lệnh từ HoSE không chỉ đơn thuần là kỹ thuật đặt lệnh giao dịch mà nó gây cản trở cho sự phát triển thị trường.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) bày tỏ không đồng ý với kế hoạch tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần, gấp 10 lần lô giao dịch tối thiểu hiện nay.

VAFI cho biết HoSE đang có kế hoạch thử nghiệm tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần từ tháng 12/2020 và sẽ triển khai chính thức từ tháng 1/2021.

"Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam phản đối chủ trương này vì nó ngăn cản sự phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), loại bỏ 10 lần cơ hội được thử nghiệm đào tạo đầu tư chứng khoán thành công, đồng thời đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu rác, cổ phiếu không chất lượng do cổ phiếu Bluechip trở nên rất đắt đỏ", văn bản của VAFI nêu rõ.

Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho biết lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phần cho 1 lệnh giao dịch là không có gì mới, nó đã được hình thành ngay từ thủa ban đầu sàn HoSE đi vào hoạt động cách đây 20 năm.

"Qua thời gian đầu hoạt động của sàn HoSE, nó đã thể hiện là lực cản cho sự phát triển của TTCK", phía VAFI nhận định.

Cụ thể, đối với tất cả nhà đầu tư mới trước kia và ngay bây giờ, việc gia nhập thị trường mà không hoặc có ít kinh nghiệm đầu tư chứng khoán sẽ là một rủi ro rất lớn, không khác gì việc đánh bạc.

Vì thế VAFI cho rằng các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm, nhà đầu tư nhỏ lẻ rằng cần phải học hỏi nhiều về kiến thức đầu tư chứng khoán, cần phải có nhiều giao dịch thử nghiệm (vốn ít) để được đào tạo chứng khoán.

Cùng với đó, không nên đầu tư nhiều, không nên đầu tư vào các cổ phiếu rác, cổ phiếu có thị giá thấp….

"Vì lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phần/lệnh là đẩy rủi ro mang tính đánh bạc cho các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư nhỏ lẻ cho nên các thành viên sáng lập của VAFI ngay từ năm 2002 đã cùng ký tên vào kiến nghị gửi UBCKNN đề nghị giảm 10 lần lô giao dịch tối thiểu xuống còn 10 cổ phần /lệnh như hiện nay.

Đề xuất này có gây tranh cãi, nhất là từ các công ty chứng khoán khi họ viện dẫn tốn kém nhiều công sức và biểu mẫu tài liệu cho việc ghi chép chứng nhận thêm nhiều lệnh giao dịch hơn (thời kỳ ban đầu chưa có giao dịch internet).

Tuy nhiên nhìn xa hơn từ việc phát triển thị trường, vì lợi ích của các nhà đầu tư nên UBCKNN đã ủng hộ quan điểm của các thành viên sáng lập VAFI và cho sửa luật", phía VAFI cho hay.

Hiệp hội này cho rằng chủ trương tăng 10 lần mỗi lô giao dịch tối thiểu "có thể do ý muốn của một số công ty chứng khoán, nhất là với các công ty có phần mềm giao dịch chưa tốt, chưa được nâng cấp hiện đại cho nên gặp một số sự cố về đường truyền, để gạt bớt hàng vạn lệnh giao dịch nhỏ đi từ các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư nhỏ lẻ và vô tình buộc họ phải chấp nhận đánh bạc thay vì đầu tư rèn luyện kỹ năng chứng khoán".

VAFI nhấn mạnh hiện nay đã có hàng vạn sinh viên với số tiền ít ỏi 5 triệu – 10 triệu – 20 triệu - 30 triệu đồng… nhiệt tình tham gia thị trường chứng khoán.

"Liệu họ có cơ hội được lựa chọn một danh mục gồm các cổ phiếu chất lượng có tiềm năng tăng giá hay không hay đẩy họ vào những loại cổ phiếu rác, cổ phiếu chất lượng kém hay cổ phiếu lừa đảo?

Với những cổ phiếu có thị giá trên 30.000 trở nên, nếu lô giao dịch tối thiểu 100 cổ phần thì rất có thể họ không mua được cổ phiếu, không tạo được một danh mục ít nhất 5 cổ phiếu để tạo lập danh mục đầu tư, họ chỉ được lựa chọn vài lệnh giao dịch khi họ chưa có kinh nghiệm thay vì gấp 10 lần giao dịch như hiện nay", lãnh đạo VAFI đặt câu hỏi.

"Đừng biến TTCK trở thành nỗi khiếp sợ với các nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán", phía VAFI gay gắt.

Hiệp hội này bày tỏ quan điểm rằng chủ trương tăng lô giao dịch tối thiểu lên 100 cổ phần/lệnh từ HoSE không chỉ đơn thuần là kỹ thuật đặt lệnh giao dịch mà nó gây cản trở cho sự phát triển thị trường, gây thua lỗ cho hàng vạn nhà đầu tư mới chưa có kinh nghiệm về đầu tư chứng khoán.

"Cho nên HoSE không có thẩm quyền làm việc này và cũng không thể làm việc này; UBCKNN cần vào cuộc để kịp thời ngăn chặn kế hoạch này", văn bản nêu.

VAFI cho rằng nếu lấy lý do tăng lô giao dịch gấp 10 lần để một số công ty chứng khoán không gặp sự cố đường truyền hay thậm chí HoSE, HNX không gặp sự cố phần mềm giao dịch thì không xác đáng, bởi quy mô của TTCK Việt Nam còn rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực và so với các nước phát triển hàng khi họ gấp hàng chục, hàng trăm lần.

Hiệp hội này cho hay để không gặp sự cố đường truyền thì các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký phải luôn luôn coi trọng công tác nhân sự, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin (IT).

VAFI cho biết hiện nay, các đơn vị này có tiềm lực tài chính rất mạnh với hàng trăm tỷ đồng tiền mặt nên không khó khăn trong việc có công nghệ tốt như thế giới.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán cũng phải chú trọng đầu tư phần mềm giao dịch. Với công ty chứng khoán nhỏ mà không đủ tiềm lực tài chính để làm phần mềm hiện đại thì phải hạn chế số lượng khách giao dịch hoặc không cho làm thành viên giao dịch để buộc họ phải tài cấu trúc cổ đông hoặc giải thể…

PV

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vafi-phan-doi-chu-truong-tang-lo-giao-dich-toi-thieu-len-100-co-phan-d17090.html