Vải chàm, giữ hồn cho trang phục người Thái Mường Lò

Nhuộm vải dệt thủ công bằng thuốc nhuộm tự nhiên là nghề truyền thống của người Thái vùng lòng chảo Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Vải chàm mang nét văn hóa riêng cũng là nét độc đáo trong trang phục của người Thái.

Nghề nhuộm vải, dệt thủ công đang dần bị mai một. Ảnh: Nam Anh.

Nghề nhuộm vải, dệt thủ công đang dần bị mai một. Ảnh: Nam Anh.

Nét văn hóa độc đáo

Theo người già ở lòng chảo Mường Lò kể lại, xa xưa, mỗi lần đi phát nương làm rẫy, vô tình nhựa cây dính vào quần áo, tay chân tạo nên những vệt màu loang lổ. Từ đó, mọi người nghĩ tới việc lấy nhựa cây để nhuộm màu cho trang phục. Từ một màu người Thái tự pha ra các màu khác như: Tím, xanh, vàng… Mỗi màu mang ý nghĩa riêng: Màu trắng tượng trưng cho trời; màu đen tượng trưng cho đất; màu đỏ tượng trưng cho lửa, mặt trời; màu vàng tượng trưng cho mặt trăng; màu xanh tượng trưng cho sự sống, vạn vật và màu chàm được xem là hơi thở là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của vùng núi rừng Tây Bắc.

Nhuộm là một trong những kỹ thuật truyền thống quan trọng của người dệt thủ công. Việc chế biến thuốc nhuộm cùng với kỹ thuật nhuộm vải tất cả đều cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ nên công việc này thường được phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm.

Chính vì vậy mà người phụ nữ dân tộc Thái ai cũng biết dệt và nhuộm chàm. Có thể nói, nhuộm vải thủ công bằng cây chàm có một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tâm linh của dân tộc Thái Tây Bắc. Ngày trước, ở dưới gầm nhà sàn của người Thái đều có chum đựng nước chàm, truyền từ đời này sang đời khác và những người lưu giữ nghề nhuộm chàm chính là những người cao tuổi trong gia đình.

Tuy nhiên, đến nay, nghề này đang bị mai một rất nhiều. Nghệ nhân dân gian Lò Văn Biến (ở bản Cang Nà, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: “Đến nay, chỉ những phụ nữ Thái trên 70 tuổi mới là những người đã từng làm và biết cách nhuộm vải thủ công. Hiện tại, cũng chỉ có duy nhất bà Lò Thị Song ở xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) vẫn còn đang làm công việc này”.

Với kinh nghiệm nhiều năm nhuộm chàm cùng những kiến thức được truyền dạy từ thế hệ trước, bà Lò Thị Song chia sẻ: “Để tạo ra được sản phẩm vải nhuộm chàm, chỉ những người phụ nữ khéo tay, kiên trì, có kinh nghiệm mới tạo ra được sản phẩm như ý. Việc nhuộm chàm đòi hỏi rất công phu, theo đúng quy trình thì sản phẩm làm ra mới được bền, đẹp…Muốn có màu chàm như ý, mảnh vải phải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần, trong nhiều ngày. Nhuộm chàm truyền thống sử dụng kỹ thuật gọi là nhuộm lạnh”.

Cũng theo bà Song, ngoài nhuộm chàm, vải còn có thể nhuộm các màu: Màu nâu, màu vàng, màu tím, màu đỏ cánh kiến. Nhuộm chàm thực sự khá công phu với một quá trình đòi hỏi sự liên tục không gián đoạn, vì thế mà màu chàm trên những tấm vải của người Thái tạo ra luôn cuốn hút người nhìn, bền đẹp với thời gian. Những tấm vải có khi vài chục năm tuổi vẫn thơm, bền, đẹp. Chẳng những vậy, đây còn là những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người sử dụng.

Giữ gìn nét văn hóa

Hiện nay cũng do nhiều yếu tố, trong đó có xu hướng thị trường mà những tấm vải nhuộm màu tự nhiên đang dần mai một. Theo một số chủ cửa hàng buôn bán vải thổ cẩm trên địa bàn vùng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ) dù vải dệt thủ công truyền thống nhuộm màu tự nhiên, hay bộ trang phục, khăn piêu…từ vải dệt thủ công truyền thống nhuộm màu tự nhiên có màu đẹp, tinh tế, được khách ưa chuộng nhưng do giá thành đắt nên chủ yếu là du khách nước ngoài mua nhiều. Hơn nữa, đến nay cũng ít người dân còn làm nghề nhuộm vải nên các chủ cửa hàng không đặt được hàng.

Cô Hiền cùng nhóm học sinh với những tấm vải dệt thủ công, nhuộm màu tự nhiên. Ảnh: Nam Anh.

Cô Hiền cùng nhóm học sinh với những tấm vải dệt thủ công, nhuộm màu tự nhiên. Ảnh: Nam Anh.

Yêu mến bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Mường Lò, chị Phạm Thị Thanh Hiền, là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thị xã Nghĩa Lộ) cùng hai học sinh Hà Thị Kim Tuyết và Phạm Thu Trang đã thực hiện Dự án nghiên cứu khoa học: “Bảo tồn và phát huy nghề nhuộm vải dệt thủ công truyền thống bằng thuốc nhuộm tự nhiên của người dân tộc Thái vùng lòng chảo Mường Lò”.

Chị Hiền cho biết: Theo nhóm nghiên cứu, để bảo tồn và phát huy nghề này, cần có đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn về ưu điểm của thuốc nhuộm tự nhiên; lồng ghép, tích hợp tuyên truyền, giảng dạy trong các tiết chào cờ, ngoài giờ lên lớp, môn giáo dục công dân, ngữ văn địa phương, lịch sử địa phương, địa lý, công nghệ về nghề nhuộm thủ công và thuốc nhuộm tự nhiên; tổ chức các hội thi mặc trang phục truyền thống có sử dụng chất liệu vải dệt thủ công có nhuộm màu tự nhiên để từ đó các bạn học sinh cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế, tự nhiên của trang phục cổ truyền của dân tộc; đưa nghề nhuộm vải này vào du lịch cồng tại các homestay và có hướng nghiên cứu để kết hợp nghề nhuộm vải thủ công truyền thống với các thiết bị máy móc hiện đại...

Em Hà Thị Kim Tuyết chia sẻ: Qua thực tế nghiên cứu, chúng em thấy rằng một số bạn học sinh người dân tộc Thái cũng thích mặc những chiếc áo được bà hoặc mẹ may cho từ vải dệt thủ công nhuộm màu tự nhiên. Nhiều nghệ nhân, người dân cũng lựa chọn trang phục, chất liệu vải dệt tự nhiên trong các đêm trình diễn trang phục, các hội thi. Em tin, đấy cũng là cơ sở để nghề dệt vải thủ công truyền thống bằng thuốc nhuộm tự nhiên không thể bị mất đi. Mong sẽ có những nhà máy sản xuất các màu nhuộm từ các sản phẩm thiên nhiên để giúp cho các công đoạn nhuộm vải bớt mất công sức hơn”.

NAM ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vai-cham-giu-hon-cho-trang-phuc-nguoi-thai-muong-lo-552954.html