Vài lời cảnh báo
Trong một số lần điền dã các buôn làng, chúng tôi gặp bên những con đường nhiều máy móc, mịt mù khói bụi, diễn ra cảnh nhiều hộ dân địa phương nô nức xây nhà.
Có đoạn hàng vài trăm mét, các hộ liền kề cùng đồng loạt “lên đời” cho tổ ấm của mình. Nhiều nhà trông to ngạo nghễ, thể hiện sự “hoành tráng”, tính “đẳng cấp” theo ý nghĩ của các vị chủ nhân.
Nếu không phải do làm ăn tốt, kinh tế khá giả thì từ đâu mà họ có tiền để xây nhà, tậu xe, sắm phương tiện đắt tiền một cách bất thường? Hóa ra, để lấy mặt bằng cho các công trình, Nhà nước đã tiến hành giải tỏa, thu hồi hàng trăm héc-ta đất canh tác của nhiều hộ dân. Số tiền đền bù mà người dân được nhận lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Hộ cao nhất được nhận bạc tỷ, hộ ít cũng hàng trăm triệu. Rồi ở một số vùng khác, khi cơn sốt đất tràn qua làng buôn, vì những lời dụ dỗ ngon ngọt của đám cò mồi, nhiều hộ đã sang nhượng những phần đất thổ cư, đất đang canh tác mưu sinh của gia đình mình. Và từ đền bù hay sang nhượng đó, người dân bỗng chốc có một số tiền lớn. Thế rồi sẵn tiền, họ cùng nhau, “theo đuôi” nhau nô nức xây nhà, tậu xe, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.
Nhìn qua loa, nghĩ qua loa thì thấy đó cũng là điều đáng mừng. Vâng, mừng thì có mừng thật. Hình ảnh các buôn làng đang được khoác lên mình một sắc màu tươi vui, rộn rã. Nhà xây mới, rất to, rất thoáng, một tầng rồi hai tầng, nhiều mầu sơn, nhiều kiểu dáng đẹp mắt và sinh động. Xe hơi, xe máy các loại dựng đầy sân. Tivi, máy hát đời mới, tủ mới, giường mới, bàn ghế mới. Cái tươi vui ấy phần nào phản ánh sự phát triển rõ nét của bộ mặt nông thôn miền núi trong thời kỳ đất nước tăng tốc phát triển. Nhưng hóa ra phía sau gương mặt phồn vinh có phần “vội vã” đó lại như đang tiềm ẩn những điều rất đáng phải báo động.
Họ có nhà mới, xe đẹp nhưng họ đã mất cái mà người nông dân cần nhất: đất sản xuất. Rồi đây, khi những đồng tiền đền bù, những đồng tiền có được nhờ sang nhượng đất đai đó đã hết, họ sẽ sống bằng gì?! Những đứa trẻ sẽ ăn gì và lấy gì để theo học cái chữ trong những ngôi nhà to lớn, lòe loẹt ấy?! Những chàng thanh niên thất nghiệp sẽ nằm dài trên những chiếc ghế salon êm ái nhưng nhọn như gai. Những người phụ nữ rảnh rỗi tụm năm tụm ba nơi góc buôn với ánh mắt buồn bã. Những người đàn ông thì gục mặt cùng nhau bên chiếu rượu ngắm buổi chiều tà. Hết đất, hết vườn thì sau này phải đi làm thuê nuôi con - đó là một thực tế nhãn tiền đối với một bộ phận đồng bào, cả người Kinh lẫn người dân tộc thiểu số…
Điều đáng lo là thực tế ấy đã và đang diễn ra ở nhiều vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Họ là những người có đất đai trong diện giải tỏa, thu hồi phục vụ cho việc thi công các công trình công cộng và được đền bù với số tiền khá lớn. Phần nhiều trong số họ đã dùng những đồng tiền ấy để xây nhà mới, sắm sanh những vật dụng đắt tiền, thậm chí tiêu xài vào nhiều cuộc chơi vô bổ. Thế rồi, đã xảy ra hoặc trong tương lai gần nào đó, họ phải cay đắng nhận ra mình đang trắng tay...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vai-loi-canh-bao-post761008.html