Vài nét tâm linh về mái tóc người Thái
Mái tóc là vóc con người. Quả vậy. Nhưng không chỉ vậy. Với cộng đồng người Thái, mái tóc có nhiều ý nghĩa hơn, đôi khi còn là thứ thiêng liêng.
Lễ cài trâm cho cô dâu người Thái Nghệ An
Nhiều người đã biết đến tục “tẳng cẩu” – búi tóc của người Thái miền núi phía bắc. Đặc sắc nhất là ngành Thái Đen ở Sơn La, Lai Châu. Người ta làm lễ búi tóc cho con dâu mới cưới. Một cái lễ riêng, trang trọng. Sau lễ, cô gái thành cô dâu khi có búi tóc to tướng trên đầu. Người ta bảo tục này là biểu tượng của thủy chung. Ngoài tính biểu tượng, khi ra đường, nhìn búi tóc trên đầu người ta biết là gái đã có chồng. Búi lệch trái là gái góa, lệch phải thì đã tái giá. Đó là những dấu hiệu nhận biết. Đôi khi cũng là điều cản trở khi những dấu hiệu được trưng diện ra trước cộng đồng.
Những nghi lễ liên quan đến mái tóc không chỉ khi gái về nhà chồng. Ngay khi một đứa trẻ ra đời, trong lễ đặt tên, người Thái ở Nghệ An đã có lễ cắt tóc. Đây là lần đầu tiên một đứa trẻ cát tóc. Tóc này thường được cha mẹ giữ lại như một kỷ vật.
Rồi mái tóc cũng dần thay đổi theo tuổi đời con người. Cái bé gái dần lớn thành thiếu nữ. Ngoài nước da, gương mặt, người ta dễ nhận ra sóc vóc của các cô trong màu tóc. Mái tóc dài ra, dày lên và đen nhanh dân theo năm tháng trưởng thành. Cho đến một ngày, các cô gái sẽ nhận được chiếc trâm cài từ các bà mẹ để tóc cho gọn gàng hơn.
Các thiếu nữ bắt đầu làm quen với chiếc trâm cài để khi về nhà chồng khỏi bỡ ngỡ. Trâm cài người Thái xứ Nghệ thường dùng khá nhiều loại. Sang trọng thì đúc bằng bạc. Có khi là gỗ, một đầu bịt bạc. Có loại bằng nhôm mua từ người miền xuôi. Đôi khi người ta dùng những chiếc que dài nhọn thay thế lúc không thể kiếm được chiếc trâm cài.
Với cộng đồng người Thái ở huyện Con Cuông, lễ cài trâm cho cô dâu trong ngày cưới diễn ra khá trang trọng. Ngày nay, nhiều làng bản vẫn đón dâu vào lúc nửa đêm. Lễ đón dâu có ông bà mối là những người quan trọng nhất của họ nhà trai. Khi cô dâu đã yên vị trong buồng cưới, sau những thủ tục theo tập quán bản địa, bà mối làm lễ cài trâm lên mái tóc cô dâu. Lễ này để nhà trai nhận cô dâu làm con trong nhà. Từ nay ông bà mối cũng như chau mẹ. con dâu coi như con gái. Việc nặng việc nhẹ đều giúp đỡ nhau. Có xích mích lớn nhỏ vợ chồng không giải quyết được thì ông bà mối vào cuộc.
Cây trâm là thứ quan trọng trên mái tóc người phụ nữ. Khăn piêu cũng thế. Nó bảo vệ mái tóc, làm đẹp cho mái tóc như là một thứ trang trí.
Có chỗ quan niệm mái tóc là nơi trú ngụ của hồn vía. Một số đàn ông vùng cao không để người khác đụng vào đầu vì cho rằng như thế là phạm vào hồn vía của họ. Một sự thiếu tôn trọng. Người viết nhớ mái trong một chuyến đi lên vùng cao gặp một cụ ông tự cắt tóc cho mình. Ông đã ngoài 80 cho biết đã tự tay cắt tóc cho mình nhiều năm nay vì không muốn người khác đụng vào đầu. Tục lệ này có lẽ ít nhiều chịu ảnh hường từ quan niệm của người Lào. Nhưng điều này thực sự hiếm gặp.
Song cũng có những nghi lễ tâm linh liên quan đến mái tóc vẫn được duy trì. Vào 30 tết, phụ nữ Thái ở Quỳnh Nhai (Sơn La) có tục gội đầu ở bến nước mỗi bản. Đôi khi chị em tập trung thành nhóm vui nhộn như ngày hội. Người ta làm điều này vì phụ nữ Thái địa phương có tục kiêng gội đầu trong 3 ngày đầu năm mới. Tục gội đầu còn được giải thích bằng một truyền thuyết kể rằng : Xưa kia Nàng Han sau khi đánh tan quân giặc xâm lước đã ra suối gội đầu rồi bay về trời và đúng ngày 30 tết. Để tưởng nhớ về nữ anh hùng này, người ta đã cho duy trì tập tục.
Phụ nữ Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cũng có tục gội đầu vào 29 tết. Dù không tổ chức thành hội như ở sơn La, nhưng từ nhiều thế hệ, chị em phụ nữ vẫn duy trì thói quen này và thành tập tục. Người ta cho rằng việc gội đầu như thế là để xua đi những cái cũ, cái không đẹp, không hay để đón năm mới.
Cách để tóc khác nhau giữa phụ nữ Thái ở Nghệ An (trái) và miền núi phía bắc (phải)
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/vai-net-tam-linh-ve-mai-toc-nguoi-thai-a12821.html