Vài nét về địa danh Phường 1 (TP. Sóc Trăng)

Phường 1 (TP. Sóc Trăng) là phường nội ô, nằm ở trung tâm thành phố – tỉnh lỵ Sóc Trăng. Phường 1 hình thành từ 2 ấp Khánh Tâm 1 và Khánh Tâm 2, nằm trên phạm vi Thủ sở Trấn Giang khi xưa, một khu vực thuộc phần đất của làng Khánh Hưng, ra đời năm 1761 do các chúa Nguyễn dày công mộ dân khai phá, mở rộng. Năm 1876, Pháp xâm chiếm mảnh đất Sóc Trăng, thiết lập tỉnh Sóc Trăng thành lập 3 quận, 12 tổng và 36 làng, thì Phường 1 thuộc làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, quận Châu Thành.

Nhân dân trong phường phần lớn sống bằng nghề thương mại, dịch vụ; tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ dạng kinh tế gia đình, số còn lại mua gánh bán bưng, làm công, làm nghề tự do. Phường 1 có nhiều tuyến đường giao thông giáp với chợ trung tâm lâu đời của thành phố (một thời gọi là chợ Châu Thành, chợ Khánh Hưng), đặc biệt có đường Hai Bà Trưng (thời Pháp thuộc đặt tên là đường Đại Ngãi) – dân gian thường gọi là đường giữa – hợp cùng với nhiều nhánh đường xung quanh thành khu vực sầm uất mua bán nhộn nhịp, nơi đầu mối giao lưu kinh tế với các huyện, thị thành trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Đường Hai Bà Trưng (thời Pháp thuộc đặt tên là đường Đại Ngãi) – dân gian thường gọi là đường giữa ngày càng phát triển sầm uất. Ảnh: NGỌC HẢI

Đường Hai Bà Trưng (thời Pháp thuộc đặt tên là đường Đại Ngãi) – dân gian thường gọi là đường giữa ngày càng phát triển sầm uất. Ảnh: NGỌC HẢI

Phường 1 có 2 cây cầu giáp với Phường 6 bắc ngang qua sông Maspéro là cầu 30 tháng 4 (Thiên Hộ) và cầu C247 (cầu Quay) là tuyến huyết mạch giao thông các phường, nơi ra vào TP. Sóc Trăng, đi Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam bộ… Phường 1 có 2 chùa và 1 tịnh xá, là chùa Cư sĩ Lâm (đường Phạm Ngũ Lão), tịnh xá Huệ Giác (đường Nguyễn Huệ), đặc biệt có chùa Ông Bổn (tức Hòa An Hội Quán) tọa lạc tại số 9, đường Nguyễn Văn Trỗi, vinh dự được UBND tỉnh công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh vào ngày 12-5-2004.

Trên địa bàn Phường 1 đã từng diễn ra một số sự kiện nổi bật trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ, đó là các địa chỉ đỏ thể hiện truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân TP. Sóc Trăng. Điển hình là nhà số 58 đường Hai Bà Trưng, vào năm 1935 – 1937, nơi đây đã từng mở tiệm sách “Thanh niên thư quán”, là điểm đi về làm việc của các cán bộ, đảng viên cộng sản hoạt động bí mật ở khu vực Sóc Trăng và cũng là nơi tập hợp, tuyên truyền cách mạng trong thanh niên và đồng bào yêu nước. Tại số nhà 49 đường Hai Bà Trưng, đồng chí Dương Kỳ Hiệp (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời tỉnh Sóc Trăng năm 1945) đã lập ra “Quán cơm Thanh niên” vào cuối tháng 11-1944, làm điểm liên lạc giữa cấp dưới và cấp trên, đồng thời là điểm tụ họp của những người cách mạng và yêu nước, chuẩn bị tiến tới Cách mạng Tháng Tám thành công ở tỉnh lỵ Sóc Trăng. Tại nhà số 29 đường Nguyễn Hùng Phước, có một thời là trụ sở Hội khuyến học, đồng chí Phan Văn Chiêu, một trong những lớp đảng viên cộng sản đầu tiên ở Sóc Trăng – từng diễn thuyết về lý tưởng cách mạng cho thanh niên.

Trên địa bàn Phường 1 đã có 3 rạp hát nay đã không còn hoạt động. Rạp Nguyễn Văn Kiển ở đường Lý Thường Kiệt, trước giải phóng là điểm chiếu phim, vừa đón các đoàn hát cải lương từ Sài Gòn xuống thuê hát. Sau giải phóng chỉ dành cho các đợt biểu diễn đại nhạc hội hoặc hát cải lương, đến năm 1994 thì ngưng hoạt động. Rạp Trưng Vương (còn gọi là Nhị Trưng) có quy mô nhỏ tọa lạc tại số 33 đường Hai Bà Trưng xây dựng từ thời Pháp, hoạt động liên tục đến năm 1994 ngưng hoạt động. Đặc biệt, nơi đây từng nuôi chứa và cũng là điểm tụ họp cán bộ cách mạng những năm đầu kháng chiến chống Mỹ – ngụy, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Khuynh (Bí thư Thị ủy Sóc Trăng từ năm 1949 đến năm 1952). Thời Pháp thuộc, địa bàn Phường 1 cũng từng tồn tại một rạp hát quy mô nhỏ mang tên Thiên Tứ Lộc (còn gọi là nhà hát Cháy) tọa lạc tại khu vực Hẻm 118 đường Phan Chu Trinh, từng là trụ sở của Thị ủy lâm thời tỉnh Sóc Trăng năm 1945.

Phường 1 có 3 trường học nổi tiếng, đó là Trường Trung học Tư thục Lam Sơn, số 33 đường Nguyễn Văn Trỗi, nay là Trường Mẫu giáo bán công 8-3; Trường Trung học Tư thục Trần Văn, sau giải phóng, chủ trường (vừa là hiệu trưởng của trường) đã hiến cho Nhà nước, nơi đây từng được sử dụng làm Trường Thương nghiệp của tỉnh; đặc biệt, trên đường Lý Thường Kiệt có một trường của người Hoa, qua nhiều lần đổi tên, hiện nay là Trường THCS Phường 1 – đây cũng là nơi có những cán bộ cách mạng người Hoa hoạt động thời chống Pháp và những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là nơi xuất phát đầu mối dây giăng ngang sông Maspéro, trên đó có lá cờ búa liềm tung bay phất phới lần đầu tiên xuất hiện, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3-2-1937).

Phường 1 hôm nay đã “khoác áo mới”, Đảng bộ và nhân dân Phường 1 quyết tâm xây dựng phường vươn lên đạt tiêu chí văn minh đô thị hiện đại, xứng với vị trí trung tâm thành phố – tỉnh lỵ Sóc Trăng.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/vai-net-ve-dia-danh-phuong-1-tp-soc-trang-46639.html